Review Trần triều nhàn thoại – Đồng Lạc

Mùa hè năm nay, bạn đã đi được những đâu rồi? Nơi bạn đến có phải cũng ngập tràn ánh nắng nhưng lắm lúc đỏng đảnh ướt mưa? Hay bạn vẫn đang bó gối một nơi với công việc và vô vàn áp lực? Nếu thế, bạn hãy dừng lại một chút, pha một ấm trà và thong thả lật mở từng trang một của Trần triều nhàn thoại, để được tác giả Đồng Lạc dìu dắt qua một hành trình rất dài trải bao năm tháng, theo chân những con người đã dệt nên núi sông ta.

Qua những mùa đông Thăng Long ảm đạm dưới một triều đại đã rêu phong. Một vị vua bất lực nhìn giang sơn vỡ nát dưới tay mình. Vị vua ấy biết đâu cũng có chút tài, cũng mang hùng tâm tráng chí, cũng thấy không cam lòng. Nhưng thời cuộc vốn dĩ không vì một con người mà xoay chuyển, bởi đó chỉ là cái “quả” của biết bao cái “nhân” tích tụ. Lý Huệ Tông dù ở kiếp này hay hồi sinh bao nhiêu kiếp nữa, dù đắm đuối giai nhân hay tỉnh táo mở to mắt nhìn hết lớp diễn này sang trò vui khác của gia tộc họ Trần, đều không có cách nào giữ được giang sơn đã mục ruỗng sau hai trăm năm. Tiếng chuông năm nào làm bừng sáng cả hoàng thành trong đêm hội có đèn hoa rực rỡ giờ thành âm thanh báo phút cáo chung của một con người, một thời đại đã lạc khỏi dòng lịch sử.

Qua những mùa thu nắng lấp lánh mặt hồ, soi bóng hai đứa trẻ, một là hy vọng của họ Trần, một là niềm kiêu hãnh cuối cùng của họ Lý. “Ta muốn nói, nước cạn như thế, ta không sợ. Ta chỉ sợ thế gian này rộng lớn như vậy, nhiều người như vậy, cuộc đời ta còn dài như vậy, thế mà người duy nhất quan tâm ta có sợ hay không chỉ còn mỗi hắn, ngày tháng sau này người duy nhất ta có thể nương tựa cũng chỉ còn mỗi hắn.” Ánh nắng của buổi chiều hôm ấy rồi cũng nhường chỗ cho bóng hoàng hôn, cũng như giờ phút ly biệt của cha nàng, mẹ nàng năm xưa, Chiêu Thánh không có cách nào giữ được bất cứ điều gì nàng trân trọng, dẫu là ngai vàng, dẫu là kiêu hãnh, dẫu là chút tình bé mọn mang theo hy vọng về một nơi chắn gió che mưa.

Qua những mùa hạ lặng lẽ, có chàng thái tử gác lại lời kinh tiếng kệ để bước lên ngôi báu, thay cha ông giữ vững giang sơn. Phật hoàng, hay Tuệ Trung thuợng sĩ, hay Đức Thánh Trần, hay Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, đều từng là những đứa trẻ ngây ngô, đều từng là những chàng trai xốc nỗi, đều trải qua muôn vạn chông gai rồi mới trưởng thành. Họ, cũng như hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp của họ Trần, từng thương nhau, ghét nhau, hiểu lầm nhau, nhưng rồi đã luôn kề vai sát cánh trong những trận chiến khốc liệt mà kiêu hùng nhất. Tôi cứ ngẩn ngơ hoài khi đọc đến dòng cuối cùng trong truyện ngắn Năm tháng Thăng Long, vì thương mấy đứa trẻ lớn lên dưới phồn hoa mà chẳng thể giữ mãi nét ngây thơ, vì tiếc nuối một điều gì chẳng rõ khi ngắm nhìn thời gian lạnh lùng trôi cuốn theo bao nhiêu bi hoan ly hợp.

Qua bao nhiêu mùa xuân Thăng Long, vẫn là Thăng Long kiêu hãnh, có ngày khải hoàn, có khi tan tác, nhưng chưa bao giờ khuất phục. Bên trong hoàng thành ấy là những cuộc đời vàng son, oanh liệt. Bên ngoài cấm cung là hàng ngàn, hàng vạn mảnh đời bình dị ngỡ như nhàm chán, chưa một lần biết mặt vua nhưng lại rất rõ mảnh đất dưới chân mình đã trải mấy nắng mưa. Người ta không chiến đấu vì vua, vì họ Trần hay họ Lý, họ chiến đấu vì những bữa cơm chiều bình bình đạm đạm chỉ có khói lam nghi ngút bên cạnh người thân.

Cả quyển sách là nhiều câu chuyện ngắn kể về một giai đoạn dài của nhà Trần, song lại liên kết nhau theo một cách lạ kỳ. Hai câu chuyện cuối có tựa đề hơi “ngược” với lời tựa in trên bìa sách: “Vạn câu chuyện đời” rồi mới đến “Một dòng lịch sử”, tưởng như tréo ngoe nhưng đọc rồi mới thấy hợp lý đến mức phải cười lớn vì khoái trá. Hai câu chuyện ấy chẳng nói về một ai cụ thể mà lại gây ám ảnh rất cao. Cũng như khi nghe thiếu nữ họ Hồ nói về chân dung thiếu phụ trên bức tranh truyền lại mấy đời, tôi đã ngẫm rất lâu rồi ngỡ ngàng khi đóng sách lại và nhìn thấy giai nhân trên bìa sách: “Tranh vẽ một người phụ nữ vận bạch bào, đội kim quan, đang cúi đầu tao nhã têm trầu. […] Lý Chiêu Hoàng, Linh Từ quốc mẫu, Thuận Thiên hoàng hậu, Phụng Dương công chúa, An Tư công chúa… Những cái tên gắn với mỗi bước chuyển của triều Trần đều từng được những người trông thấy bức tranh thầm đoán, nhưng cuối cùng vẫn không có chứng cứ nào”.

Trong lòng mỗi người đều có riêng bức chân dung về một nhân vật hay được người sau nhắc đến. Trong lòng mỗi người lại có một tình cảm yêu ghét rất riêng. Trần triều nhàn thoại phải đọc trong lúc thật thư nhàn, vì khi trang cuối cùng của quyển sách khép lại rồi, bạn vẫn sẽ suy nghĩ rất lung.

Về bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cuộc đời đã lênh đênh trong dòng chảy lịch sử không đầu không cuối ấy, về những nhân – quả, những thành – bại, những vinh – nhục đã cho chúng ta là chúng ta của hôm nay.

Link mua sách: TIKI SHOPEE TRI THỨC TRẺ

(Ghi chú: Bạn đọc của Sông núi chưa già hẳn còn nhớ một cái tên được mình trân trọng cảm ơn ngay đầu quyển sách: chị Bí Bứt Bông. Bí là tác giả viết dã sử trên mạng đầu tiên mà mình biết, từ đó mình đã viết nên những câu chuyện của riêng mình. Với những bạn yêu sử, cái tên Bí chắc đã không còn xa lạ với những tác phẩm như Vạn dặm xuân, Tức Mặc có giai nhân, Duyên mảnh, Tay nắm tay buông, Thuở xuân tàn… Hôm nay, quyển sách đầu tay của Bí đã được xuất bản dưới bút danh Đồng Lạc. Bạn sẽ bắt gặp tên mình đâu đó trong sách, vì mình cũng được đóng góp một ít công sức để hoàn thiện tác phẩm này. Mời bạn đón đọc nha!)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s