
Quyển sách này có thể xem là “chân ái” của mình, minh họa rõ ràng cho câu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Vài năm trước, lúc nghe thầy dạy Thống kê giới thiệu tựa “Outliers”, mình hăm hở ghi lại để đọc sau rồi loay hoay thế nào quên bẵng. Tận hơn một năm sau đọc báo, mình bắt gặp “Những kẻ xuất chúng”, tò mò đọc thử thì không dừng được, đến tận nửa cuốn rồi google một khái niệm mới biết tựa tiếng Anh của quyển mình đang đọc chính là “Outliers” mình vô tình bỏ lỡ năm xưa. Bài review này xem như chuộc lỗi với em ấy và giới thiệu với mọi người ha.
Thật buồn cười khi một quyển sách thiên về khoa học, tâm lý xã hội, thuần lý thuyết và không có một câu cảm thán nào lại khiến mình bật khóc. Mình không dám bảo sách phù hợp với tất cả mọi người, nhưng chắc chắn ít nhiều những kẻ có máu kiêu hãnh ngầm (như mình), xưa nay dù luôn biết ơn những quý nhân xung quanh nhưng luôn tự tin rằng mình không phải là sản phẩm dù tốt dù xấu của hoàn cảnh, sẽ có đôi phút “vỡ”, thấy sự ngạo nghễ đó bị tổn thương trầm trọng để nhìn lại và trân trọng hơn thứ thành công mà mình đã, đang, sẽ có.
Trong thống kê, outlier (điểm dị biệt) là giá trị khác xa phần còn lại của dữ liệu, có thể làm lệch hoàn toàn tính chuẩn hóa của dữ liệu. Có thể hình dung đơn giản thế này: điểm kiểm tra của lớp dao động từ điểm 4 đến 7, chỉ có một em duy nhất đạt điểm 10 hoặc 1. Điểm số của em này chính là outlier, nếu tính vào sẽ khiến điểm trung bình của lớp khác xa mức điểm trung bình thực tế. Tất nhiên, ta cũng không thể loại bỏ hoàn toàn điểm dị biệt này xem như không tồn tại, mà phải tách ra để nghiên cứu riêng, loại bỏ sự ảnh hưởng của điểm dị biệt lên kết quả nghiên cứu, đồng thời hiểu rõ nguyên nhân gây ra kết quả “lạ” kia. Trong phạm vi quyển sách này, Malcolm Gladwell dùng khái niệm “outlier” để chỉ những người xuất sắc và thành công nổi trội so với mọi người.
Chuyện về những thiên tài “vượt qua nghịch cảnh” quả thật rất truyền cảm hứng. Họ khiến chúng ta tin rằng chỉ cần cố gắng nhất định sẽ thành công. Họ động viên một bộ phận không nhỏ những người chẳng “ngậm thìa vàng” từ lúc sinh ra rằng hoàn cảnh không nói lên được gì về con người bạn. Ý kiến này được số đông ủng hộ bởi kẻ nghèo trong xã hội bao giờ cũng nhiều hơn. Outliers đưa ra rất nhiều ví dụ chứng minh điều ngược lại, rằng “không một ai đơn thương độc mã lại có thể thành công”, và “việc ta là ai không bao giờ được tách khỏi việc ta đến từ đâu”.
Lúc nhỏ, mình thấy việc “làm khai sinh trễ cho con để đi học không bị thiệt” thật buồn cười, vì mình cho rằng trí thông minh không phụ thuộc vài tháng tuổi “ăn gian”. Khi ấy mình không ý thức được rằng ở những năm đầu đời, vài tháng là một sự khác biệt lớn lao. Malcolm phân tích ảnh hưởng của “thời điểm ngắt ngọn” lên chất lượng thi đấu của các tuyển thủ khúc côn cầu. Khi người ta tuyển sinh vào tháng một hằng năm, những em sinh từ tháng một đến tháng mười hai năm trước đều đủ tuổi tham dự dù em sinh ngày 1/1 lớn hơn em sinh ngày 31/12 tròn một tuổi. Sự chênh lệch này cho phép em sinh ngày 1/1 chơi tốt hơn, được chọn vào những đội “tinh hoa” hơn, nhận sự giáo dục tốt hơn. Lợi thế này được tích lũy và lớn dần theo từng năm, em giỏi sẽ càng giỏi, em kém sẽ càng tụt lại phía sau. Kết quả là hơn 50% tuyển thủ trong đội bóng quốc gia sinh từ tháng một đến tháng ba, trong khi rất ít người có sinh nhật cuối năm. Như vậy, có rất nhiều ngôi sao tiềm năng đã không có cơ hội tỏa sáng chỉ vì họ còn quá nhỏ khi tham gia đội bóng đầu tiên.
Một lý thuyết của tác giả mà mình rất thích là “mười nghìn giờ luyện tập”. Theo đó, mỗi người cần phải làm việc một cách chuyên chú ở một lĩnh vực nào đó để trở nên “lành nghề”. Bill Gates xuất chúng bởi ông có cơ hội tiếp xúc với máy tính từ rất sớm, “đến thời điểm Gates rời khỏi Harvard, cậu đã lập trình suốt bảy năm. Cậu có hơn 10.000 giờ luyện tập. Liệu có bao nhiêu thanh niên trên thế giới có thứ trải nghiệm giống như Bill Gates?”. Đương nhiên, có rất nhiều cơ may vô tình khớp nhau cho phép Gates có được sự ưu tiên quý hóa này, bạn đọc sách rồi sẽ bất ngờ.
Phần mình thích nhất là chương nói về sự liên quan giữa nguồn gốc của phi công và những tai nạn rơi máy bay. Phân tích những đoạn hội thoại mà hộp đen ghi lại, ta dễ thấy có những sự hiểu lầm rất ngớ ngẩn ở đời sống thường nhật lại trở thành điểm chí mạng quyết định sinh mệnh của hàng trăm con người trong thời khắc quyết định. Một cơ phó sinh ra tại quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn sẽ rụt rè không dám chỉ ra sai lầm của cơ trưởng, dùng cách nói giảm nói tránh thay vì hét thẳng vào mặt khiến cả cơ trưởng lẫn bộ phận kiểm soát không lưu không thể hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề. “À, ừ, chúng tôi sắp hết nguyên liệu” không bao giờ được hiểu là máy bay sẽ rơi trong vòng năm phút nữa nếu anh không cho tôi đáp, vì có máy bay nào sắp hạ cánh lại “tràn bình” được?
Có rất nhiều điểm thú vị khác trong sách, như việc tại sao người châu Á với văn minh lúa nước lại giỏi toán hơn người Âu – Mỹ. Tuy nhiên, đoạn khiến mình bật khóc nói về một thiên tài không bao giờ có cơ hội tỏa sáng: “Đó là một lời thú nhận về thất bại. Mọi trải nghiệm anh đã từng có bên ngoài trí óc của mình rút cục đều nhuốm vẻ buồn thảm. Anh hiểu mình cần phải hoà nhập với thế giới tốt hơn nữa, nhưng anh không biết phải làm thế nào. Anh thậm chí chẳng thiết lập nổi một cuộc trò chuyện với giáo viên dạy môn tích phân. Có những điều mà người khác − với trí tuệ kém hơn lại giải quyết dễ dàng. Nhưng đó là bởi họ nhận được sự giúp đỡ trong suốt quá trình, còn Langan thì chưa bao giờ. Đó không phải một cái cớ, mà là hiện thực. Anh phải tự xoay sở một mình”. Mình đồng thời nhận ra mình đã may mắn thế nào và đã kém may mắn đến mức nào, vì hoàn cảnh, bởi hoàn cảnh.
Outliers là một quyển mình xem là xuất sắc, từ nội dung đến hình thức: những góc nhìn khác biệt đi kèm cách diễn đạt lôi cuốn, gần 400 trang sách có thể hoàn thành trong một ngày đọc không gián đoạn và phải xem đi xem lại nhiều lần. Đọc không phải để tự tin hay tự ti, mà để có cái nhìn đa diện hơn về thành công, để hiểu rõ hơn sự ảnh hưởng lớn lao của xuất thân và hoàn cảnh thơ ấu lên sự trưởng thành của mỗi người, để biết ơn những cơ may mình có, những người mình gặp, để điều chỉnh một đôi thứ trong tầm kiểm soát, để sống khác đi và nhìn đời một cách dịu dàng hơn.
(*) Câu trong bài Hy Mã Lạp Sơn (Xuân Diệu).