[Truyện ngắn] Thuận Thiên

Ghi chú:

  • Truyện được viết ngày 1/1/2015, là truyện ngắn dã sử đầu tay của tác giả. Trong lần đăng này, tác giả có sửa đổi và bổ sung một vài tình tiết nhưng vẫn giữ gần như trọn vẹn nội dung và phong cách viết của bản gốc vì tôn trọng kỷ niệm với những bạn đọc đầu tiên. Do đó, truyện có thể rất khác với những truyện sáng tác sau này.
  • Truyện viết dựa theo những sự kiện có thật trong lịch sử song vẫn có nhiều tình tiết do tác giả sáng tạo để phục vụ nội dung, xin đừng đồng nhất truyện và chính sử.

Một đêm mùa hạ sáng trăng.

Cơn gió nhẹ khẽ lay ngọn lửa của chiếc đèn lạc đặt ở góc phòng, khiến những bóng người trong cung điện tạo thành những hình ảnh vui mắt đung đưa trên vách. Có lẽ hơn ba mươi năm trước, vẫn vào một đêm mùa hạ thế này trên bãi Cửu Liên cũng có rất nhiều người vây quanh chỗ ta nằm. Khác chăng là khi ấy, mọi người vui vẻ cười khi nghe ta cất tiếng khóc đầu tiên. Còn lúc này đây, gương mặt ai nấy cũng như chực khóc, nào phi tần, ngự y, cung nữ.

Bên ngoài vang lên tiếng thưa trình, người mặc long bào sải bước tiến đến chỗ ta nằm.

Ta gượng dậy cúi chào. Người vội chạy đến đỡ ta, nhẹ nhàng như thể chỉ cần siết mạnh một chút, sinh mạng này sẽ mất đi. Giọng nói thường ngày luôn trầm tĩnh giờ không giấu vẻ khẩn trương:

– Hậu cứ nằm nghỉ!

Người để ta tựa vào lồng ngực rộng lớn chứa cả giang sơn. Ta áp tai lắng nghe từng nhịp tim khắc khoải.

– Quốc Khang sắp đến rồi. Trẫm cũng cho người đi gọi bọn trẻ về cả, nàng đợi thêm một chút.

Ta mỉm cười, khẽ gật đầu. Bao năm qua, hoàng đế vẫn luôn thương xót đứa con tội nghiệp của ta. Quốc Khang năm nay đã được mười một tuổi, càng lớn càng giống cha ruột nó.

Giống hệt con người đã vĩnh viễn giam chặt trái tim ta gần hai mươi năm trước.

Lần đầu trông thấy nhau tại hoàng cung, chàng vỗ tay tán thưởng điệu múa của một con bé vụng về vừa lên sáu.

Lần thứ hai gặp mặt, chàng đưa em trai nhỏ vào cung ra mắt phụ hoàng ta, ngang qua vườn ngự uyển, nhác thấy chị em ta, chàng khẽ tặng một nụ cười hiền.

Lần thứ ba tái ngộ có trống kèn náo nhiệt, có đèn hoa lộng lẫy, mẫu hậu lệnh cho ta hạ giá về làm vợ của chàng.

Khi ấy ta vẫn chỉ là một đứa trẻ mới lên mười. Người đời nói họ Trần đang muốn giành ngôi họ Lý. Họ Trần là họ của mẹ ta, họ Lý là họ của cha ta, ta làm thế nào hiểu được vì sao họ ngoại và họ nội của ta lại có thể chém giết lẫn nhau? Người đời còn nói lẽ ra ngai vàng nên truyền cho trưởng nữ như ta chứ không phải đứa em gái vừa lên bảy, ta chẳng chút mảy may tị hiềm, chỉ cần đó thực sự là ý muốn của phụ hoàng ta.

Là của phụ hoàng ta, vị hoàng đế thứ tám của triều đại đã truyền hơn hai trăm năm, vị hoàng đế cao cao tại thượng ta đã ngưỡng mộ và tự hào suốt những năm tháng thơ dại. Song vị hoàng đế ấy cũng chính là người đàn ông mặc long bào, tóc cắm cờ, tay cầm giáo mác luôn tự xưng mình là thiên tướng giáng trần, mỗi lần ta trông thấy chỉ biết đau lòng rồi bật khóc.

Rời hoàng cung đến vương phủ đầy xa lạ, trong lòng ta chỉ có lo sợ và lo sợ, ta mang đôi mắt ươn ướt đến gặp người vừa trở thành phò mã:

– Anh Liễu, lấy chồng nghĩa là thế nào ạ?

Chàng khi ấy chỉ vừa mười ba tuổi nhưng đã có dáng vẻ của một vị dũng tướng, ôm ta vào lòng, thân thiết vỗ về:

– Vợ chồng là một gia đình giống như thầy mẹ của ta và phụ hoàng, mẫu hậu của nàng. Từ nay anh Liễu và nàng sẽ là một gia đình, nàng có thích không?

– Thích ạ!

Ta chưa được biết thầy mẹ của chàng đối đãi nhau thế nào nhưng rất rõ những câu chuyện truyền kỳ về phụ hoàng và mẫu hậu mình. Lúc ta còn nằm trong bụng mẹ, phụ hoàng vì muốn đảm bảo an toàn cho mẹ con ta trước sự nghi kỵ của Đàm thái hậu mà đã luôn cùng ăn, cùng uống với mẹ, đã đưa mẹ vượt đường xa từ Thăng Long về đất của họ Trần. Không rõ vì những ký ức đẹp đẽ ấy hay vì vòng tay của người chồng mới cưới ấm áp và vững chãi quá, ta vùi mặt vào vòng tay ấy, ngủ một giấc an yên.

Năm năm tháng tháng, ta và Trần Liễu cùng nhau lớn. Khi chàng luyện kiếm, ta gảy đàn. Khi chàng đọc sách, ta lặng lẽ pha trà. Cuộc sống tưởng như không gì có thể bình yên hơn thế. Biết rằng ngoài kia giang sơn đang từng ngày đổi họ, biết rằng cơ nghiệp từng cho ta địa vị cao quý nhất thế gian đang rã rời từng chút. Biết thế, thì một đứa trẻ như ta có thể làm gì?

Có lúc Trần Liễu đưa ta vào cung thăm phụ hoàng và Phật Kim. Bao giờ lúc quay về ta cũng khóc, cũng oán trách, cũng tự giam mình suốt mấy ngày. Chàng luôn ôm chặt ta nghe ta khóc, luôn đứng lặng ngoài cửa phòng lắng nghe từng tiếng nấc, từng câu đớn đau mai mỉa của ta.

Cơ nghiệp tổ tiên lẫy lừng bao đời từng đánh Tống bình Chiêm giờ chỉ còn lại một người dở điên dở dại và một đứa bé gái ngơ ngác lọt thỏm trong bộ áo thêu rồng.

Rồi chẳng mấy chốc, bộ áo ấy cuối cùng phải giao lại cho họ Trần như một lẽ đương nhiên.

Chỉ hơn kém nhau hai tuổi, cuộc đời của chị em ta đã khác nhau như vậy. Ta về Phụng Càn vương phủ có người ở cạnh chở che, chỉ cần đóng chặt cửa là có thể xem như không hay không biết, còn Phật Kim phải ở lại hoàng cung, một mình giương mắt nhìn vương triều họ Lý từng ngày gãy đổ dưới tay mình. Ta mất đi thân phận công chúa tiền triều vẫn còn là vương phi cao quý, Phật Kim từ công chúa bước lên ngôi nữ đế, từ nữ đế trở thành hoàng hậu, nghìn đời chịu tiếng đem nước để theo chồng[1].

Cách đây rất lâu, có lần phụ hoàng khẽ nói trong lúc ta say ngủ:

  • Thuận Thiên, cứ như phong hiệu của con, theo ý trời mà hành sự.

Phụ hoàng đương nhiên không có quyền, mẫu hậu cũng bảo mẹ không có quyền, chị em ta dĩ nhiên càng không có quyền. Vậy ra cơ sự này là ý trời hay ý của người nào?

Có những đêm ta thét gào oán trách trong cơn mộng mị, Trần Liễu giữ chặt ta, nhẹ nhàng xoa dịu những phẫn uất trong lòng:

  • Lắm lúc thời thế chẳng chiều người, việc chúng ta có thể làm là thả trôi theo dòng nước.

Khi phụ hoàng đột ngột tạ thế ở chùa Chân Giáo, chàng nhìn sâu vào đôi mắt rực lửa của ta, vừa nghiêm khắc như dạy dỗ, vừa run rẩy như thể van xin:

  • Nàng yên phận ở lại vương phủ cùng ta, không được hay sao?

Từ giờ trở đi, ngoài Phật Kim, người thân trên đời của ta chỉ còn lại một người này.

Mãi cho đến nhiều năm sau, ta vì ánh nhìn thiêu đốt đó, ngoan ngoãn cùng chàng đến A Sào, khai hoang lập ấp. Cậu con trai mười ba tuổi hứa che chở cho ta giờ đã trở thành vị vương gia cao lớn, có một vùng thái ấp trù phú bạt ngàn, có quân đội riêng hùng mạnh. Ta lại cùng chàng về lại Thăng Long, phụ việc triều chính. Mối hận vong quốc của ta phai nhạt từng ngày, chỉ mong giữ mãi khung cảnh thanh bình này cùng người sống đến bạc đầu.

Ngày quay về kinh thành đã in đậm ký ức thời thơ dại, chàng lại đưa ta đến vườn ngự uyển, nhìn sâu vào mắt ta, dịu dàng hỏi:

  • Nàng có đồng ý trở thành vợ ta không?
  • Không phải chúng ta đã cưới nhau nhiều năm trước rồi sao?
  • Trước đây là một gia đình, bây giờ mới thực là chồng vợ.

***

Không lâu sau đó, Doãn ra đời, cuộc sống gia đình ta ngày thêm hạnh phúc. Có lẽ giữa những tranh đoạt và điều tiếng trong vương tộc mới, ta có người và con ở bên đã không dám mong gì hơn nữa.

Cả mẫu hậu, người vợ mà phụ hoàng ta yêu quý, người mẹ mà chị em ta một lòng kính trọng, giờ cũng trở thành phu nhân của kẻ khác, ta còn có thể làm gì được nữa?

Song, ở thời thế mà tình nghĩa dường như chỉ là thứ bỏ đi này, tình anh em của kẻ trở thành hoàng đế lại như ánh lửa giữa trời đông. Trần Liễu không hận việc cưới cô chị lại mất ngai vàng về tay cô em, Trần Cảnh không tiếc gì với anh, để chàng suốt ngày ra vào hoàng cung, địa vị ngày một cao, đến lúc được phong làm Hiển hoàng thì chỉ còn dưới một người.

Hiển nhiên có kẻ sẽ không vui, nhất là kẻ luôn muốn khống chế tất cả bọn ta như những quân cờ trong tay hắn.

Một ngày hầu cận về báo tin, Hiển hoàng cưỡng ép cung nữ nhà Lý tại cung Lệ Thiên nên bị giáng làm Hoài vương. Chuyện theo gió lan khắp nơi như một sự rất đỗi nực cười. Ta vội chạy đến tìm chàng, chỉ thấy chàng trầm mặc ngồi bên chiếc bàn con. Ánh mắt vốn sáng như sao trời, hôm nay nhuộm một màu ảm đạm thê lương, trên môi vẫn còn vương nét cười cay đắng. Nghe tiếng động, chàng ngước lên nhìn nhưng không nói gì, vẻ mặt như sẵn sàng nghe một lời trách móc.

  • Hoài vương phi nghe cũng không tệ lắm. – Ta mỉm cười.

Chàng ngơ ngác nhìn ta chậm rãi bước đến cạnh bên, đưa tay vuốt nhẹ lên bờ vai vững chãi, rồi chúng ta ôm chặt lấy nhau.

Cả đất nước này không hiểu thì sao? Hậu thế có phỉ báng chàng thì lại thế nào? Ta hiểu chàng, tin chàng, mãi mãi ở cạnh chàng, đã đủ hay chưa?

Giống như lúc chàng kéo ta ra khỏi cơn ác mộng bao đêm, giờ đến lượt ta vỗ về chàng trong từng giấc ngủ.

Ngày ta mang thai đứa trẻ thư hai là Quốc Khang, chàng vẫn vui mừng như lần đầu ta mang thai Trần Doãn, vô tư khoe khắp mọi người. Chúng ta say trong hạnh phúc của riêng mình mà vô tình quên mất rằng bên trong cung điện lộng lẫy kia, đôi vợ chồng hoàng đế đang mòn mỏi chờ mong một đứa con. Em gái ta từ lúc sinh đứa con đầu lòng yểu mệnh đến giờ, đã không còn hy vọng làm mẹ nữa.

Quốc Khang hoài thai ba tháng, người nhận lệnh đi công vụ ở xa. Vừa lúc đó, em gái ta bị giáng làm phế hậu. Nước mắt khóc thương em chưa cạn, ta đã nhận tin tiến cung làm hoàng hậu, nghĩ đơn giản là vì ta cũng mang dòng máu của vương tôn nhà Lý. Nghĩ sâu xa hơn, việc này đủ để hai anh em hoàng đế không bao giờ có thể nhìn mặt nhau được nữa.

Một đêm tối trời, ta dẫn theo Trần Doãn lén trốn đến chỗ chàng. Không ngờ người chặn đường của mẹ con ta chẳng phải ai xa lạ.

Là Thuận Trinh hoàng hậu của Lý Huệ Tông.

Là Thiên Cực công chúa của triều Trần.

Là Quốc mẫu, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ.

Mặc thái độ khinh khỉnh lạnh lùng, mặc bao lời nói mai mỉa của ta, người ấy nước mắt lưng tròng, nắm chặt tay ta, không biết là ra lệnh hay cầu xin, không biết mấy lời là thật lòng, bao nhiêu chữ là gian trá:

  • Thuận Thiên, nếu chống lệnh vua, cả con và Chiêu Thánh đều phải chết. Hoài vương vừa nghe tin đã mang quân nổi loạn ở sông Cái, thái sư đã cho quân đi trấn áp rồi, sau này hắn sống chết còn chưa rõ. Mẹ con ta đều phận khổ, chỉ vì muốn cứu người thân nên chấp nhận tiếng xấu ngàn năm. Lẽ nào ta có thể hy sinh, còn con vì chút nông nỗi nhất thời mà vô tâm hại chết em con, chồng con, cả Trần Doãn và đứa con đang mang trong bụng?

Người ấy, từng là mẹ của ta.

Người ấy, giờ gọi ta là Thuận Thiên, gọi Phật Kim là Chiêu Thánh.

Người đàn bà phận khổ ấy bây giờ chỉ là con gái của dòng họ đã cướp mất ngai vàng từ tay họ Lý, là vợ của kẻ chủ mưu biến anh em Trần Liễu thành kẻ thù kẻ còn người mất mà thôi.

Lúc ấy, là hy sinh, hay là tham sống sợ chết, hay là không còn thiết tha gì chuyện vẫy vùng, nói cho dễ nghe là thuận ý trời, bản thân ta cũng không biết được. Lấy chồng của em gái, lấy em trai của chồng, có gì đáng để tự hào, có gì ý nghĩa cần suy nghĩ?

Ta không gặp lại Phật Kim, cũng không gặp lại Trần Liễu, chỉ lẳng lặng dọn đến hoàng cung mà sống. Rất lâu sau đó, ta cũng chưa một lần được diện kiến hoàng đế một lần.

Người trong cung nói, hoàng đế vì những quyết định của thái sư mà phẫn uất bỏ lên Yên Tử. Ta chỉ mong người sớm quay về làm chủ đại cuộc, để Trần Liễu còn một con đường sống. Chàng ôn hòa như vậy, hiểu chuyện như vậy, trước giờ cẩn trọng như vậy, lần này bất chấp tất cả mà gây loạn chẳng phải vì tức nước vỡ bờ sao?

Trong ký ức của ta, hoàng đế cũng là một người nho nhã. Đôi lần gặp Phật Kim, ta biết trong lòng em ta có ngài ấy. Họ đã gắn bó từ thuở ấu thơ, đã bỏ qua oán thù hai họ, cuối cùng vẫn chỉ vì toan tính của một người mà xa cách.

Đợi nửa tuần trăng, hoàng đế cũng đến trước mặt ta. Đôi mắt vô hồn, nụ cười chán nản.

– Chị dâu cứ yên lòng, anh Liễu đã được tha bổng về Yên Sinh. Trẫm cũng đã ra lệnh không một ai được tổn hại Phật Kim.

Bấy lâu chỉ chờ đợi một lời này, bao nhiêu gánh nặng trong lòng ta trút xuống. Dẫu sao cũng không phụ lòng Phật Kim và Trần Liễu đã yêu thương người bấy lâu nay. Ta mỉm cười, khẽ cúi đầu nói với vị hoàng đế kém mình vài tuổi:

  • Muôn tâu, ân nghĩa này đã quá lớn rồi. Ta hiểu, Trần Liễu hiểu, Phật Kim cũng hiểu, người cũng chỉ là một nạn nhân.

Một giọt nước mắt rơi xuống long bào.

Chị em ta, vợ chồng ta ôm nhau khóc, hệt như cảnh trong cung Hoài vương ngày ấy. Tình anh em, chồng vợ, đạo lý luân thường… rốt cuộc cũng chỉ là con tốt thí, trên bàn cờ thế sự của một người.

Quốc Khang mạnh khỏe chào đời, hoàng đế vẫn một lòng tôn trọng vị hoàng hậu như ta. Ta và người ngoài là chồng vợ, trong vẫn giữ tình cảm chị em, quan tâm lẫn nhau như một gia đình.

Gia đình, chồng của ta, Trần Liễu, Hoài vương, bây giờ chàng có khỏe không? Chàng hiểu lòng ta như vậy, có lần nào oán trách ta không? Chàng ở Yên Sinh có được vui như lúc ở A Sào?

Ta đã không còn những cơn ác mộng như lúc ở bên chàng, chỉ có những canh khuya một mình bật khóc. Xin chàng hãy quên đi người vợ như ta…!

Tháng lại ngày trôi, đâu đó tiếng ra vào hoàng hậu còn vương vấn Yên Sinh vương nên mãi mà không hạ sinh hoàng tử. Ta đã thầm dự liệu một ngày Thuận Thiên hoàng hậu rồi trở thành Lý phế hậu thứ hai. Nhưng còn Trần Liễu và Trần Doãn, họ sẽ ra sao?

Cho đến một hôm, hoàng đế ngự giá đến hậu cung, ánh mắt cũng trống rỗng hệt như lần đầu bọn ta gặp mặt.

  • Hậu vì cơ nghiệp này mà phải hy sinh, ta thề suốt đời sẽ thay anh cả yêu thương và che chở cho mẹ con của hậu.

Đêm ấy, mưa như trút nước, như khóc giùm ta những giọt lệ mà ta chỉ dám giấu ngược vào tim.

Từ nay cả tư cách nhớ thương chàng, ta cũng không có nữa.

Ta nghe người báo lại, Yên Sinh vương lập nhiều thứ thiếp, thêm vài vương tử. Ắt là giờ người oán ta, hận ta, cả tên của ta cũng không muốn nhắc.

Những đêm hoàng đế ở lại chỗ của mình, ta thường nghe tiếng người nấc nghẹn giữa đêm khuya. Ta nằm cạnh bên, dịu dàng vuốt tấm lưng rộng thay lời an ủi.

Trần Hoảng và Quang Khải lần lượt ra đời. Hoàng đế vẫn yêu thương Quốc Khang chẳng khác chi con ruột. Song, đứa con trai tội nghiệp của ta vẫn luôn biết rõ thân phận của mình, mang danh con trưởng của vua mà cả đời cũng không có quyền thừa kế, lỡ như tài giỏi một chút, khôn khéo một chút còn sinh nghi kỵ. Nó ngoan ngoãn sắm tròn vai một vị hoàng tử ngoan ngoãn đến khờ khạo, hiểu chuyện đến nhàm chán, cả văn chương lẫn võ thuật đều không có thành tựu gì đáng tự hào, đôi lúc còn bị thầy học quở trách vài câu.

Có lần, nội nhân thuật lại với ta rằng Trần Liễu và Quốc Khang vô tình chạm mặt nhau trong cung. Ta nghe như tim giật thót, vội hỏi lại:

  • Hai người họ… thế nào?
  • Bẩm hoàng hậu. – Nội nhân bị dáng vẻ hoảng hốt của ta dọa sợ. – Hoàng tử chỉ kịp gật đầu chào “Yên Sinh vương” một tiếng thì vương đã đi rồi.

Không phải “bác”, càng không thể là “phụ vương”, cũng may người trong hoàng tộc còn có cái danh hiệu để gọi nhau. Ta tự nói với mình như thế rồi bật cười, nước mắt lăn dài.

***

Hoàng đế ngày một trưởng thành, việc trong triều dần không cần nhất nhất theo ý thái sư. Ta cũng toàn tâm với vai hoàng hậu, làm tốt từng bổn phận của mình.

Mười năm trôi qua, hai chúng ta đều vì những người thương yêu nhất của cuộc đời mình mà cố gắng, chỉ mong họ ở nơi xa có thể được bình an. Quyền lực trong tay bọn ta càng vững thì sự an toàn của họ mới càng chắc chắn. Trong lòng hoàng đế, phần dành cho nước cho dân mỗi ngày một lớn, người ngày càng trông giống một vị đế vương, song góc nhỏ kia không vì thế mà có thể xóa nhòa, bóng dáng cô độc kia không vì thế mà biến mất.

Có những ngày ta bắt gặp hoàng đế đứng thẫn thờ trước căn phòng cũ của Phật Kim, ta cũng nhòe nước mắt nhớ chuyện xưa, bước đến ôm vai người. Người quay lại ôm lấy ta, giữ chặt trong lòng:

  • Đời này chỉ còn hậu hiểu trẫm.

Từ lâu, ta và hoàng đế đã hình thành một thói quen chỉ có thể khóc trước mặt nhau, cũng chỉ có thể cho người kia biết những tâm sự trong lòng. Có lẽ vì ta nhìn thấy ở người bóng dáng vững chãi của một vị vương gia, người nhìn thấy ở ta hình bóng của nữ đế triều đại cũ. Giữa ta và người có thể gọi là tình thân, có thể gọi là tri kỉ, chỉ chưa bao giờ là tình nam nữ.

Tình yêu của ta và người trước giờ có một, đều sớm bị bàn tay tàn nhẫn của ai bóp chết lâu rồi.

Năm tháng lặng trôi, thế sự xoay vần.

Cứ ngỡ có thể thản nhiên tựa vai nhau đi hết đoạn đường đời, chia nhau từng chút buồn vui, ngờ đâu ta lại phải đi trước người một đoạn rất xa.

Dầu sắp cạn, có cố bồi thêm cũng chỉ được chút ánh sáng le lói chập chờn.

  • Sau này người nhớ tự chăm sóc bản thân. Đừng đọc tấu chương muộn quá, đến bữa phải dùng cơm, có ra trận cũng không được liều chết…

Ta thấy vòng tay người khẽ run, cố gắng siết chặt ta vào ngực, cố gắng truyền hơi ấm cho thân thể ngày một lạnh của ta.

  • Hậu nỡ bỏ mặc Khang, Hoảng và Khải sao?

Ba đứa trẻ đều đang chơi ở ngoài cung, không hay mẹ sắp ra đi. Không trách được các con ta, cả bản thân ta cũng không ngờ mình lại đột nhiên ngã xuống rồi không dậy được nữa, hơi thở mất đi rất nhanh.

Ta gắng sức đưa tay vuốt gương mặt đau khổ của người, thấy mắt mình nhòe nước.

  • Người ta nói hoàng đế đắc đạo Phật lý, thấu suốt lẽ tử sinh, sao giờ lại luyến tiếc sinh mạng này để trái đạo trời?

Hoàng đế nhếch mép cười nhạt, mấy lần như muốn nói thêm điều gì đó lại thôi. Chỉ có vòng tay vẫn giữ chặt, nửa sợ làm ta đau, nửa như lại sợ ta chạy mất.

  • Người có thể gọi ta là chị hay không? – Hồi lâu, ta nói.

Một nét bàng hoàng hiện lên trong đôi mắt đã trông qua bao nhiêu lần binh biến.

  • Nàng muốn được tự do về với anh cả?

Ta bỗng nhiên thấy trong lòng cũng rất đau, mãi lâu sau mới nói được thành câu:

  • Ta được gọi là công chúa Thuận Thiên. Ngờ đâu vì cái tên ấy, cả đời ta đều không được sống theo ý mình. Giờ đến lúc chết đi, bỗng dưng lại muốn trời nghe ý mình một lần… – Ta nháy mắt. – Hoàng đế chẳng phải là trời của người sao?

Trần Cảnh khẽ khàng đặt ta nằm xuống, nhìn sững hồi lâu. Cuối cùng người khẽ cúi đầu, một giọt lệ rơi xuống mặt ta, nóng rẫy:

  • Chị hãy yên lòng, trẫm sẽ chăm sóc các con.

Ta bỗng thấy thân thể mình nhẹ tênh. Quanh ta vang lên tiếng khóc, tiếng thét gọi mẹ của ba đứa trẻ. Ngoài trời, chim quốc kêu từng tiếng.

Một kiếp người ngắn ngủi cứ thế mà rũ sạch nợ trần.

Ta không đến Yên Sinh như mình vẫn nghĩ. Trong lòng ta lúc này, quá khứ hay hiện tại đều có một vị trí riêng, chẳng thể chọn lựa hay so sánh. Trần Liễu của bây giờ chắc gì đã coi trọng ta hơn một vị đế vương.

Ta thấy mình ở A Sào, những ngày bình yên nhất, có người luyện kiếm theo tiếng đàn ta gảy, có người chuyên tâm đọc sách, thỉnh thoảng ngẩng lên ăn bánh ta làm.

Còn có người dịu dàng nhìn sâu vào mắt ta và hỏi:

  • Nàng có đồng ý trở thành vợ ta không?

Ta mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lại:

  • Ta rất vui lòng.

HẾT.


[1] Thơ Tản Đà vịnh Lý Chiêu Hoàng:

“Quả núi Tiên Sơn có nhớ công

Mà em đem nước để theo chồng.”

3 bình luận về “[Truyện ngắn] Thuận Thiên

  1. Thuận Thiên, là tên, cũng là mệnh.

    “Thân bất do kỷ”

    Cả cuộc đời của nàng, bị ép làm quân cờ: hai lần hôn nhân, không một lần bước lên kiệu hoa đường đường chính chính, không một lần nguyện ý… Cũng may, nàng còn đổi lại được tấm chân tình của Trần Liễu, sự kính trọng của Trần Cảnh, xem như ông trời cũng không quá bạc đãi nàng.

    Cái chết của nàng, với tôi mà nói, đó là một sự giải thoát. Tôi không buồn vì nàng đoản mệnh, mà tôi mừng vì cuối cùng nàng đã có thể trở lại làm một Thuận Thiên mà nàng muốn: Nàng không cần phải gọi Trần Cảnh là phu quân, không phải tiếp tục sống những tháng ngày áy náy với Chiêu Hoàng…Quan trọng nhất, linh hồn nàng cuối cùng đã có thể yên tâm phiêu dạt hồn mình về A Sào, nhớ lại cảm giác vui mừng trước lời cầu hôn người trong lòng.

    Tôi rất cảm ơn tác giả, đã cho tôi một góc nhìn, một chút hơi ấm dành cho công chúa Thuận Thiên.

    Lời cuối, tôi muốn nói rằng: “Thuận Thiên, cuối cùng cũng có người thấu hiểu lòng cô rồi. Cô không cần “vinh danh thiên hạ”, cô chỉ cần “không thẹn với lòng mình”.”

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này