Đây là một bài review mình viết ngay sau khi xem phim xong, nay đăng lại để giới thiệu với những ai chưa có dịp thưởng thức bộ phim rất đặc sắc này.

Song Lang là phim mà mình đã ngóng đợi từ rất lâu, và cảm ơn mọi người đã thực hiện kêu gọi cho Song Lang thêm một tuần ở rạp, để mình được xem, và xem hai lần, phải chi mà vẫn ở Sài Gòn chắc mỗi ngày đều ra rạp xem đến lúc phim không chiếu nữa, mà vẫn thấy mỗi lần xem là một cảm xúc khác nhau.
Dũng Thiên Lôi của Liên Bỉnh Phát đã cho mình có lại cái cảm giác si mê đến ám ảnh, chạy đi đọc hết tất cả review và fanfic về anh, sau mười mấy năm tưởng chừng mình không thể yêu một nhân vật hư cấu nào như thế nữa. Cái mái tóc xoăn dài lãng tử, hàm râu lún phún, gương mặt góc cạnh và ánh mắt, vừa tàn nhẫn đến lạnh người, vừa cô độc đến thê lương, vừa ngây thơ như một đứa trẻ mãi không hiểu tại sao mình lại đang làm những việc này, khiến mình rung động từng khung hình, chỉ muốn ôm “cậu bé” ấy vào lòng, vỗ về, ngoan nào, bình yên nào, thôi không cô độc nữa…!
Mình thương Linh Phụng, cậu kép đẹp vẻ ngoài thư sinh, đôi mắt ướt rượt và đôi môi cong cong mĩ miều nhưng lại có sự mạnh mẽ và cố chấp không gì lay động được. Isaac ca không thật hay, nhưng diễn tả rất đạt sự chuyển biến từ kỹ thuật ở đầu phim và cảm xúc vỡ òa ở cuối phim. Từng cái liếc mắt, từng cái cong môi đều được biểu hiện đúng nơi đúng chỗ đúng liều lượng, khiến mình quên hẳn việc Isaac là ca sĩ nhạc trẻ đóng phim. Bớt một chút sẽ là lạnh nhạt mà thêm một chút sẽ thành quá lố và gây phản cảm, mọi thứ vừa đủ quá, khiến cho Linh Phụng dễ thương không lời nào tả được.
Tình cảm giữa hai chàng trai được thể hiện quá sức quá sức nhẹ nhàng và tinh tế, chỉ có những câu chặt chém nhau, chỉ có những lời cộc lốc và những ánh nhìn, mà khiến người xem rung động và day dứt không cách nào quên được. Cái tình của Linh Phụng rõ ràng, và nồng nhiệt hơn, ở đôi mắt long lanh và bàn tay đặt lên lồng ngực để ngăn tim mình thổn thức, ở món quà, ở cái thấp thỏm ngóng trông và những giọt nước mắt lăn dài, khiến cho người ta dễ tưởng rằng đó là thứ tình đơn phương của Phụng dành cho anh giang hồ gốc cải lương. Nhưng mình tin, Dũng để ý đến Linh Phụng trước tiên, và dù nói ra câu nào cũng cộc lốc chẳng xưng hô, nhưng đã dành cho Phụng tất cả sự dịu dàng mà mình có. Nếu không có tình, Dũng đã không để lại chiếc đồng hồ và sợi dây chuyền của Linh Phụng, đã không mua vé vào rạp nghe người ta hát, đã không ngồi lại thật lâu sau khi xem hát rồi mới vào đòi nợ, người ta chưa mang tiền ra đã bỏ về, để người ta sáng hôm sau phải mang tiền đến tận nơi, đã không phải không nỡ tắt đi chiếc đài đang phát giọng ca của Phụng, đã không cần giải thích và chở Phụng theo lúc đi tìm em trai của cô bạn tình, đã không yêu cầu Phụng hát khúc Trường Tương Tư cha mình để lại, đã không phủi bụi cây đàn rồi vì Phụng mà nắn phím so dây. Đoạn kẻ đàn người hát là môt cảnh phim đẹp nghẹn ngào, “trăng dẫu sáng nhưng đâu soi thấu nổi tâm can”, còn họ đã hiểu nhau đến tận cùng gan ruột.
Song Lang là một phim thấm đẫm tình người, ở cái dáng vẻ hiền lành của Dũng Thiên Lôi khi ngồi gọt ổi cho hai đứa trẻ, ở đôi chân ngập ngừng đến bệnh viện rồi lại vội vã quay đi, đến nhà thờ xưng tội, ở cảnh Dũng khóc rưng rức như đứa trẻ dưới ánh chiều tà, ở cơn mưa đã xóa sạch vết máu như gột rửa cho Dũng một quãng đời sống không định hướng. Dũng chẳng biết mình đang làm gì, chỉ biết “làm riết rồi quen”, chỉ biết “việc ai người đó làm”, như một cách báo ơn người đã nuôi mình, như một cách để quên đi cái đam mê cải lương vì nỗi hận dành cho nghệ sĩ bạc bẽo, “trên sân khấu hát toàn tiết lễ nghĩa khí”. Dũng du côn, nhưng lại “trí thức” và quý tộc hơn bất kỳ ai, vừa đòi nợ ở quán game vừa trả tiền thuê băng đầy đủ cho ông chủ quán, vừa đánh nhau kịch liệt vừa trả đầy đủ tiền làm hư bàn ghế, vừa chưởi thề không ngượng mồm vừa mê đọc sách và nâng niu từng trang giấy. Dũng Thiên Lôi là một nhân vật điển hình của nghệ thuật và văn chương, như Chí Phèo, như Kiều, và phải là một nhân vật được nhắc đến và nhớ đến rất lâu, dù người ta có quên hẳn Song Lang và Liên Bỉnh Phát.
Cái kết phim rất buồn, và hụt hẫng, nhưng là cái kết không khác được, không đổi được, nếu muốn Dũng trở thành nghệ sĩ, ở một nơi nào đó, và muốn chuyện tình Dũng – Linh Phụng thăng hoa. Cái đẹp thường phù du vì chỉ có cái phù du mới đẹp. Mọi thứ cứ dở dang, lưng chừng, và mình nghĩ việc Linh Phụng không bao giờ biết được tại sao Dũng không đến tìm mình, nó đau xót và day dứt hơn rất nhiều so với việc để Linh Phụng mang cái đau mất người tri kỷ lên sân khấu, nỗi luyến tiếc và thắc mắc ấy sẽ theo chàng nghệ sĩ suốt đời, để anh nhớ mãi cái đêm ở bên nhau ấy, giữ mãi món quà chưa kịp tặng, để “không cần diễn cũng ra hà”…
“Nếu hôm ấy tôi không đến kịp, anh có đốt hết đồ diễn không?”
“Nhưng mà đến kịp rồi.”
“Lần đầu gặp nhau không phải lúc đòi tiền.”
“Nhớ rồi.”
“Tơ loan đã dứt
Trùng quang tương hiệp chốn suối vàng
Thương cho duyên phận lỡ làng
Sử hận tình ghi lại đôi trang…”