Trước nay tôi chỉ viết về lịch sử phong kiến và không quan tâm nhiều đến lịch sử, chiến tranh thời cận – hiện đại, song chuyến tham quan Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Úc ở Canberra năm 2018 đã cho tôi một bài học lớn, về cảm giác chiến tranh có thể tồi tệ và đáng sợ thế nào. Những ký ức ấy đã theo tôi thật lâu, đi vào những sáng tác sau này.

Tôi không có nghiên cứu về lịch sử nước Úc, vì thế tôi không thể giải thích cho bạn mỗi hình ảnh là trận chiến nào giữa những phe nào. Bài viết này chỉ đơn thuần chia sẻ hình ảnh và những suy nghĩ của một vị khách từ xa đến, xúc động bởi những mất mát do chiến tranh gây ra và tinh thần quả cảm của con người.




Nơi tôi đứng chụp ảnh chiếc trực thăng này trên một đài cao nhìn xuống. Lúc ấy tôi cũng như những khách tham quan khác, đang tò mò ngắm hiện vật như ở các phòng trước đó đã đi qua. Bỗng nhiên xung quanh chúng tôi vang lên tiếng còi hú, tiếng phụ nữ và trẻ con khóc la, tiếng chân người bỏ chạy, đèn chớp nháy liên tục và tiếng bom dội, tiếng súng bắt đầu rền vang. Trước giờ tôi luôn nghĩ đến chiến tranh với những hình dung bi tráng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được chiến tranh có thể kinh hoàng đến mức nào và mỗi con người nhỏ bé thế nào giữa cảnh loạn lạc ấy, dù chỉ là qua một hoạt cảnh mô phỏng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy biết ơn cuộc sống thanh bình mà mình vẫn luôn xem là hiển nhiên từ lúc ra đời.






Đây là mô hình dựng lại những khung cảnh của cuộc chiến, kích thước rất bé nhưng tinh tế đến từng chi tiết một.


Mỗi giai đoạn lịch sử được kể lại theo một cách khác nhau trong bảo tàng và được chăm chút rất hay. Song điều khiến tôi nhớ mãi đến sau này lại là khung cảnh chỉ có mấy màu trắng, đen và đỏ rực của hoa anh túc ở hành lang dẫn ra ngoài.



Chúng tôi đã chôn cất anh ấy trên lũy đá dọc chiến hào mà không có gì để đánh dấu nơi anh yên nghỉ.

Chúng tôi mệt mỏi, tê cứng và đói lả…

Xin vĩnh biệt, và xin bạn tiếp tục mỉm cười dù trái tim đang rạn vỡ…

Tôi mong rằng bạn đọc của tôi sẽ có dịp đến thăm một bảo tàng chiến tranh, ở địa phương nào cũng được, để thấy biết ơn những năm tháng đã đi qua và thấy trân trọng thêm mảnh đất mà mình đang sống.
“Để có một ngày
Có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta
Còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương rau
Thiên đường này mơ ước bao lâu…” (*)

(*) Tựa đề bài viết và đoạn trích này là tên và lời ca khúc của nhạc sĩ Nhật Ngân, ra đời vào thời điểm Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam được ký kết.)