Có thể bạn chưa biết, ngoài việc viết truyện của mình, tôi còn làm beta-reader cho một bạn tác giả khác. Bài viết này là những chia sẻ về kinh nghiệm beta truyện cho những bạn nào muốn thử sức với việc này. (Tựa đề bài viết ăn theo series đang rất nổi tiếng của Hàn Quốc hiện giờ.)
Beta-reader là một thuật ngữ của giới viết lách chỉ người đọc lại tác phẩm trước khi đăng, giúp tác giả phát hiện những lỗi sai về chính tả, đánh máy, logic, nội dung… Nếu biên tập viên là một nghề thì beta-reader có thể là bất kỳ ai muốn giúp tác giả hoàn thành tác phẩm. Bạn cũng có thể tự beta truyện cho mình để có được bản thảo sạch đẹp nhất trước khi giới thiệu đến công chúng hoặc gửi nhà xuất bản.

Lỗi soạn thảo văn bản
Lỗi soạn thảo bao gồm lỗi chính tả, đánh máy, định dạng (font/size chữ, cách dòng…), dấu câu (chấm, phẩy, viết hoa sau dấu chấm câu, đóng ngoặc, mở ngoặc…). Beta-reader phải biết thế nào là một văn bản có hình thức chuẩn.
Những lỗi này tưởng như dễ nhưng lại rất khó phát hiện. Nếu bạn chăm chăm soi lỗi hình thức, bạn sẽ không cảm được nội dung và ngược lại. Cách hay nhất là bạn đọc lần đầu để nắm hết nội dung, sau đó đọc lại lần nữa, soi từng dòng một. Gặp bất kỳ chữ nào hoài nghi không biết tác giả có viết đúng hay không, bạn nên đi tra từ điển. Trường hợp cả hai cách viết đều có trong từ điển, bạn nên tìm hiểu về nghĩa và ngữ cảnh để sử dụng từ đó cho phù hợp.
Ví dụ:
- Vai “run” lên hay “rung” lên?
- “Run” là tự thân run rẩy, còn “rung” là do động đất.
Lỗi nghệ thuật
Đây là cách tôi tạm gọi những lỗi về mặt hình thức của một tác phẩm văn học như lỗi ngữ pháp (thiếu chủ ngữ, vị ngữ), lỗi từ ngữ (lặp từ, lặp ý, dùng sai từ), lỗi dấu câu, thanh điệu không chuẩn…
Để phát hiện ra những lỗi này, bạn cần kha khá thời gian để nhìn văn bản theo một khối lớn, so sánh giữa đoạn trên và đoạn dưới, chú ý từng câu xem đã đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ chưa. Trong quá trình viết, có thể tác giả copy, paste, thay đổi thứ tự các đoạn với nhau nên khi đọc lại cần kiểm tra xem có ý nào trùng lắp hoặc đoạn văn ở vị trí không hợp lý không.
Lỗi về “nhạc tính” phụ thuộc thẩm mỹ của cả bạn tác giả và bạn beta. Nếu phong cách tác giả là viết văn có vần hoặc có thanh điệu và beta cũng có cùng sự quan tâm thì mới thay đổi được. Ví dụ như cùng một nghĩa, trong câu này dùng “ngai vàng” sẽ êm tai hơn, câu khác lại cần dùng “ngai báu”. Lỗi dùng nhiều dấu phẩy, dấu ba chấm… cũng phụ thuộc gu thẩm mỹ của hai bạn.
Lỗi logic
Lỗi này bao gồm logic về mặt khoa học – xã hội và logic truyện.
Nghĩa là bạn cần phát hiện ra những điều phi lý như khi tác giả mô tả nhân vật có gương mặt 3 phần lai Âu, 4 phần lai Á, 2 phần lai Phi và phần còn lại lai châu Nam Cực. À, bạn tác giả của tôi không phạm những lỗi thế này, song thỉnh thoảng vẫn có những câu như:
“… cần một trí tuệ để nhìn xa nghìn dặm.”
Tôi-beta: Nhìn xa nghìn dặm thì cần bổ sung vitamin A chứ trí tuệ giúp được gì?
Một lỗi logic khác khó phát hiện hơn là logic về mặt nội dung truyện và tính cách nhân vật. Để chỉ ra đúng lỗi này, beta-reader cần hiểu truyện và hiểu tính cách nhân vật, hiểu tác giả cũng như có một vốn sống nhất định và tư tưởng tương đối mở, chấp nhận rằng có những kiểu người với tư duy và hành xử không giống với số đông nhưng vẫn có cái lý của họ, hiểu rằng địa vị, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, động cơ… khác nhau sẽ dẫn đến những cách hành xử khác nhau. Phát triển nhân vật (theo sự thay đổi các yếu tố vừa nêu) cũng khác với việc sinh ra một nhân vật chỉ giống cái tên với nhân vật ban đầu.
Lỗi nội dung
Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của một Beta-Reader. Dù sao thì, trước khi beta, bạn phải làm một bạn đọc chân thành đã.
Là bạn đọc, nghĩa là cảm nhận xem câu chuyện có khiến mình bị cuốn hút không, tò mò không, thích thú không, bất ngờ hoặc hài lòng với đoạn kết không. Vì, suy cho cùng, bạn là người đọc đầu tiên trước khi tác phẩm đến được với công chúng. Bạn hãy đọc một cách hồn nhiên trước như thể bạn không biết tác giả là ai để có thể cung cấp thông tin quan trọng nhất mà tác giả cần là người khác hiểu thứ họ viết ra như thế nào, có giống với ý định của họ hay không. Đành rằng tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó trong tâm trí mỗi bạn đọc, tuỳ thuộc trình độ, kinh nghiệm sống của bạn đọc ấy nhưng không phải tác giả nào cũng diễn đạt đủ rõ ràng. Ví dụ, tác giả chỉ tả con mèo bằng 1 – 2 câu, bạn đọc A có thể hình dung ra con mèo tam thể, bạn B nghĩ về con mèo mun… nhưng không thể có bạn C nào đấy nghĩ về con chó được.
Khi đã cảm nhận được chỗ hay – dở của truyện rồi, bạn có thể góp ý cho tác giả. Tất nhiên bạn không nên góp ý kiểu “tôi thấy chỗ này sao sao” nhưng bạn cũng không nhất thiết phải biết chỗ “sao sao” ấy nên sửa thế nào. Bạn có thể nêu cụ thể thực tế và kỳ vọng của mình, ví dụ như: “đoạn này diễn biến hơi nhanh nên không cảm nhận được thay đổi tâm lý của nhân vật, có thể chậm lại một chút”, tác giả sẽ tự tìm cách điều chỉnh cho phù hợp.
Sau khi hồn nhiên, beta-reader lại phải biết thân phận của mình. Dẫu sao thì bạn cũng chỉ là bạn đọc, không phải là tác giả. Bạn có thể góp ý để câu chuyện được thể hiện gần với ý muốn của tác giả hơn hoặc đề xuất một hướng đi mới, một từ ngữ mới bạn cho là thích hợp hơn, song bạn không nên can thiệp quá nhiều vào nội dung tác phẩm. Đứa con tinh thần vẫn là của người ta…
Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tác giả
À, đây là phần mà tôi cho là khó khăn nhất của cuộc đời beta, kể cả beta cho người khác hay cho chính bản thân mình.
Bạn hãy đọc đi đọc lại câu này: Phản hồi là để xây dựng tác phẩm chứ không phải công kích cá nhân tác giả.
Một tác giả dù chuyên nghiệp đến mấy cũng không thể nào duy trì phong độ đều như bắp cho tất cả tác phẩm mà mình viết ra. Trong cùng một tác phẩm cũng sẽ có đoạn hay đoạn dở. Cho nên, việc của beta là giúp đoạn hay toả sáng hơn, giúp tác giả thêm tự hào về đoạn hay và giúp đoạn dở bớt dở, có khi, giúp tác giả chấp nhận sự tồn tại của đoạn dở ấy mà không tự trách bản thân mình.
Beta chủ yếu là phê bình, nhưng đừng quên những lời khen. Bạn không biết có khi một vài câu khen ngợi bâng quơ của bạn đã giúp ai đó không từ bỏ đam mê của họ. Đôi khi, tôi còn kiêm luôn cả người nhắc nhở, mỉa mai, nịnh nọt có đe doạ có, để tác giả… cầm bàn phím lên và viết. Tôi đủ hiểu tác giả của mình để nhận ra khi nào họ viết ngắn vì ý đồ nghệ thuật, khi nào ít chữ vì… lười.
Làm beta-reader, bạn còn cần quản lý kỳ vọng của bản thân để phù hợp với kỳ vọng của tác giả. Tôi nhớ có lần tôi và bạn tác giả của tôi suýt cãi nhau vì bạn ấy không muốn đầu tư quá nhiều công sức vào một tác phẩm bạn không lấy làm tâm đắc lắm, còn tôi vốn cầu toàn, muốn cái gì viết ra cũng phải thật chỉn chu. Kết quả là chúng tôi thống nhất chỉ thảo luận những điểm mà chúng tôi tìm được tiếng nói chung, còn lại thì việc tác phẩm hay/dở vẫn là vinh quang và trách nhiệm của riêng tác giả.
Bạn đừng để beta xong một tác phẩm thì cũng đường ai nấy đi luôn…
Vậy, Beta-reader nhận được gì?
Được tiền, nếu bạn đi theo con đường beta/biên tập viên chuyên nghiệp.
(Nhân tiện, hiện tại tôi không nhận beta thêm cho tác giả nào khác nữa vì không có thời gian cũng như tâm huyết.)
Được beta qua lại, nếu bạn làm việc trong một nhóm. Tôi và bạn tác giả của tôi hiện đang beta qua lại cho nhau. Bạn ấy cũng cho tôi rất nhiều lời khuyên quý giá.
Được những mối quan hệ quý. Vì để sửa được tác phẩm của nhau, về lâu về dài, bạn phải hiểu nhau. Để hiểu nhau, bạn phải dành rất nhiều thời gian để trò chuyện với nhau. Tôi và bạn tác giả của tôi hay nói đùa, bọn tôi một năm viết được một truyện nhờ người kia beta mà suốt ngày phải hầu chuyện 24/24, từ kinh tế chính trị đến nước hoa, ăn mặc, hẹn hò. Cũng có những khoảnh khắc cảm động, như chuyện bạn tác giả vì sợ tôi “khinh” bạn lười, gõ ít chữ, không thèm beta mà đã viết thêm một đoạn thật dài, có những tình tiết tôi rất thích.
Và như thế, tôi vẫn rất vui với công việc lặng lẽ này.
