
Chao ôi, một phố Nhớ nằm bên sông Hoài, một thị tứ Chờ nằm bên cửa Đợi. Sao đất nước mình lại có những đại danh từ gợi cảm nhiều như vậy…?
Nguyễn Tuân
Không biết đã là lần thứ bao nhiêu, đôi mắt gã chèo đò sáng bừng lên một niềm hy vọng khi nghe một vị khách nam trung niên, dáng người cao lớn nào đó hỏi về “o Hoài” gần ba mươi năm trước sống ở Cẩm An. Thật ra, không phải chỉ ngày xưa mà mãi tận bây giờ, khi tiếng bom đạn đã thôi gầm rú trên mảnh đất này và ít nhiều những người khách da trắng mũi cao bắt đầu lui tới tham quan con phố cổ nằm bên sông, người đàn bà có cái tên đặt theo dòng sông ấy vẫn lặng lẽ vào ra ngôi nhà cũ.
- O Hoài là chi của ông, răng chừ ông mới tới tìm o? – Gã lái đò hỏi, mắt đăm đắm nhìn xuống con nước đang vỗ vào mạn theo nhịp chèo bơi, có khi gấp gáp, có khi ngần ngừ như mãi không muốn đến bờ. – Ông đi một mình hay có con có cháu theo?
Người khách trả lời cũng bằng đôi mắt buồn thăm thẳm. Hồi lâu họ rề rà kể, năm đó khi nhận lệnh chuyển quân, tiểu đội của họ đi ngang một thửa ruộng đông người cày cấy, cả bọn liền viết vội mấy chữ cho gia đình rồi ném xuống đường mong người dân đưa thư về giúp. Những trang giấy trắng bay rợp trời, rơi lả tả trên ruộng lúa xanh, trông xa như những cánh cò. Họ có gửi cho o Hoài một bức thư, song mảnh bom quái ác đã khiến họ mất đi cái quyền hưởng hạnh phúc làm chồng, làm cha, họ đành vờ như mình đã gửi thây đâu đó nơi đất khách quê người để người thương yên tâm xây dựng gia đình. Mấy chục năm không dám về, giọng quê đã ít nhiều đổi khác. Đến khi tóc bạc da mồi họ lại đọc được tin tìm người trên báo, lời lẽ thiết tha. Sợ khi từ biệt cõi đời mang theo nỗi ân hận lớn lao, họ quày quả trở về.
Gã lái đò dẫn khách đi vòng vèo gần chục con phố mới đến trước ngôi nhà có tường vàng rêu phủ nằm hướng ra sông, số 4 trên cây cột trước nhà đã nhòe đi nhiều nét. Dường như vui quá, lại như buồn quá, tay gã gõ mãi vào cửa không thành tiếng. Mãi sau, người trong nhà thấy bóng nên bước ra chào khách. Đó là một người đàn bà đẹp như những thiếu phụ trong tranh, mỏng manh, đài các và nhã nhặn.
- Ông là… – Nàng ngập ngừng như thể không tin được mắt mình.
- “O Hoài, hôm ni anh ra trận…” – Người khách nheo nheo đuôi mắt chân chim, nghèn nghẹn nhắc không sai nửa chữ trong bức thư vỏn vẹn một dòng mà người đàn bà đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. – “… khi mô giặc tan, rồi chúng mình thương nhau mãi nghe”.
Người đàn bà từng trải bao mùa nắng mưa suýt nữa đã kêu lên vì xúc động. Nàng đưa tay run run che miệng, đoạn ngập ngừng toan chạm lên đôi vai mình vẫn tựa đầu nũng nịu khi tóc hãy còn xanh.
- Anh…
Nàng cố nhớ ra một đặc điểm gì đó của người mình từng hẹn ước năm xưa, như một vết bớt, một nốt ruồi, hoặc một cử chỉ, một nét mặt chỉ riêng người ta mới có. Song thời gian vốn chẳng chiều lòng những kẻ cố nhớ quá nhiều hoặc quá lâu. Không một tấm ảnh trong tay, nàng dường đã quên mất gương mặt người thương trông thế nào, ánh mắt ấm áp ra sao, giọng nói ngọt ngào, say đắm bao nhiêu.
- Anh… Kiên? – Nàng gọi. Riêng cái tên thì nàng nhớ mãi, cùng lời hẹn sẽ thương mãi người ra lính dù người chưa kịp trở về, nàng không có cách nào quên, không được phép quên.
Người khách chợt lùi lại một bước, xa khỏi những ngón tay thon thon vừa đưa tới. Họ thì vẫn nhớ như in gương mặt kiều diễm và nụ cười ngọt như nắng thu bao lần hiện về trong giấc mơ của họ, vỗ về họ, vuốt ve họ qua từng đêm máy bay giặc réo ầm trời, qua những ngày cô độc thê lương mãi sau này. Nhưng người trước mặt họ không phải là nàng của họ, cũng như cái tên mà người ấy gọi, đây là lần đầu họ nghe đến.
- Tôi không phải ông Kiên. – Hồi lâu, họ nói.
- Nhưng… ông lại đọc đúng những gì viết trong thư? – Người đàn bà bắt đầu nghi hoặc.
- Thư đó là ai đưa lại cho o? – Người khách hỏi.
Người đàn bà ngơ ngác nhìn ra phía bờ sông. Gã lái đò ngồi yên, tay tựa mái chèo, ánh mắt chưa lúc nào rời khỏi ngôi nhà. Gã không sinh ra trên sông nước, nhưng một lần đi gặt thuê, gã nhặt được một bức thư của anh lính gửi người yêu, phần nể phục phần xúc động khôn cùng, gã bèn lặn lội đường xa để đưa thư. Thư đến quê nhà xong, gã lại mến đất, mến người rồi quyết định ở lại chốn này, nói giọng của người đất này, đưa khách qua những ngày hoa giấy đỏ phủ kín những mảng tường vàng rực rỡ, qua những đêm dòng sông sáng rực hoa đăng, qua cả những mùa lũ nước dâng cao tận mái nhà. Thảng hoặc, gã tiện tay giúp mấy việc tay chân cho ngôi nhà không có đàn ông kia, tiện mồm nghe ngóng tin tức người gửi thư để kẻ nhận thư thôi mỏi mòn chờ đợi.
- Tôi xem một chút được chứ hỉ? – Người khách khẽ khàng xin phép.
Người đàn bà từ tốn lấy từ chiếc hộp ra bức thư giấy đã nhàu nát, mực đã phai. Vị khách thẫn thờ đọc đi đọc lại, đúng là những gì họ đã viết năm xưa, nhưng sao có thể đưa đến lầm người? Mãi đến khi mắt chạm đến dòng địa chỉ gửi thư, họ chợt hiểu ra cơ sự.
Người họ thương ở nhà số 1, nhưng khi mảnh giấy rơi xuống cánh đồng, nước đã làm nhòe con số ấy đi, khiến lá thư đến tay người nhận ở nhà số 4.
Chẳng rõ là rủi hay may, người con gái ở ngôi nhà ấy cũng tên Hoài, cũng có một người thương để nhớ mong. Người ta chặt dạ chờ đợi một người không biết còn sống hay đã chết đến bây giờ. Còn người lẽ ra phải nhận thư nay chắc đã đề huề con đàn cháu đống.
- Ha. Ha. – Người đàn bà cười từng tiếng, thả người phịch xuống ghế, đưa tay ôm trán. Giây lâu, nàng khoát khoát tay về hướng ngôi nhà số 1. – Nhà nớ đổi chủ lâu lắm, lâu lắm rồi. O Hoài bên nớ giờ chắc đã…
Nàng cố gượng cười như kể chuyện của ai, khóe mắt bắt đầu ửng đỏ.
- Rứa thì… may quá. – Người khách đáp, mắt cũng đỏ hoe.
- Ừ… may. – Người đàn bà nói. – Biết đâu cái người tôi đợi cũng…
Nàng chỉ nói được như thế rồi òa lên nức nở không thành tiếng. Người khách đứng cạnh, toan bước đến an ủi song lại thôi, chỉ đành lóng ngóng một bên. Họ không biết trong lòng mình có bao nhiêu phần hụt hẫng, bao nhiêu phần thanh thản. Với người đàn bà đang tan vỡ vì tuyệt vọng kia, họ không những chẳng có tư cách gì để sẻ chia mà lá thư của họ còn vô tình hại nàng phí hoài ba mươi năm đằng đẵng.
Vị khách không biết, nạn nhân của lá thư gửi nhầm địa chỉ kia không chỉ có một người.
- Ông nói chi với o Hoài rồi? – Gã chèo đò xồng xộc vào nhà như muốn hỏi tội người khách nọ vì đã khiến chủ nhà phải nhọc lòng, đôi mắt gã long lên vì tức giận.
- Lầm rồi! – Người đàn bà vội bước đến can ngăn. – Lầm rồi!
Nàng chỉ nói được hai chữ “lầm rồi” thì dường như hết cả sức lực, lại đứng tựa vào tường để khỏi ngã. Nàng thấy bóng dáng xiêu xiêu của chính mình phản chiếu trên chậu hoa bằng sứ đặt cạnh bên, bất giác nhếch môi cười chua chát. Mãi sau, nàng xua xua tay ra hiệu cho gã lái đò tiễn khách. Đây không phải lần đầu gã đưa một người về cho nàng nhận mặt, nhưng là lần đầu gã có nhiều cảm xúc trộn lẫn giữa kỳ vọng, hoang mang và thất vọng nhiều đến thế. Nếu đây đúng là người đã gửi thư, thì rạng sáng mai, liệu gã sẽ không phải, không được hay không cần sống kiếp chèo đò lang bạt nữa?
- Rứa thôi, chừ tôi đưa ông về lại bến. – Gã nói với người khách rồi sải bước đi nhanh về phía bờ sông, bước thấp bước cao như đương hậm hực, lại như đương mừng rỡ.
Người khách ngần ngừ nhìn người đàn bà vừa kịp lau khô nước mắt, khẽ gật đầu chào rồi toan quay đi. Nàng chợt nhớ ra một việc, vội vã đưa ngón tay lên môi, lắc lắc đầu đoạn chắp tay khẩn khoản, như xin họ giữ bí mật một điều gì. Họ nhìn về phía gã lái đò đang gỡ mối dây neo mà ngón tay xoắn cả vào nhau, lờ mờ hiểu ra, khẽ gật đầu đáp lại, khóe môi vô thức cong cong.
- O chớ buồn! – Gã lái đò đã ra giữa dòng lớn tiếng nói vọng sang bờ, với người vừa bước ra cửa trông theo. – Ngày mai tôi lại hỏi thăm nơi khác.
- Không cần nữa! – Người đàn bà cũng cao giọng đáp, nước lại bắt đầu dâng lên lưng tròng mắt.
Gã lái đò ngơ ngác, đoạn nhớ ra bao nhiêu lần trước đây nàng cũng không ít lần bảo gã thôi đừng phí công tìm giúp nàng nữa, lên bờ tìm người mà lấy, làm một nghề ổn định hơn, rồi sinh con đẻ cái, rồi vui hưởng tuổi già. Gã thở hắt ra, nở nụ cười buồn rười rượi rồi lại dùng hết sức chèo nhanh để đưa ông khách khốn khổ kia đến nơi trước khi trời tắt hẳn nắng.
Gió từ triền sông lồng lộng thổi lên, đây đó văng vẳng tiếng người í ới gọi nhau, tiếng chim xao xác, lại thêm tiếng chèo khua nước vang vang nên gã không nghe được lời người trên bờ căn dặn:
- Đưa khách rồi về ghé ăn cơm.
HẾT
