[Kim Dung] Thiên cổ văn nhân hiệp khách mộng (*)

*** Đây là bài tôi viết thay lời tiễn biệt Kim lão tiên sinh khi Ngài mất 3 năm trước, nay đăng lại để tưởng nhớ một tượng đài.

Tôi chưa bao giờ dám nhận mình thuộc hội những người lớn lên với tiểu thuyết Kim Dung, bởi tôi tự thấy mình thấp kém, không nhớ hết những chiêu thức võ công, không hiểu hết những suy tư thời cuộc mà Ngài gửi gắm trong từng tác phẩm, cũng chẳng đủ nhiệt thành để tham gia những cuộc tranh luận thắng thua về những trận tỉ thí giả định giữa hai cao thủ. Tôi đơn giản là một cô bé con đã tròn xoe mắt khi nghe Cha tôi kể rằng có một tác giả đã tạo nên cả thế giới võ lâm chỉ bằng ngòi bút, đã viết Xạ điêu Tam bộ khúc – nối tiếp câu chuyện này với câu chuyện khác, cuộc đời này với cuộc đời khác, đã tạo nên một chuẩn mực về những con người trong giang hồ. Vô tình hay cố ý, rất nhiều những điều Ngài viết đã định hình nhân cách của tôi đến tận bây giờ, khi tôi thôi đọc và xem tác phẩm của Ngài từ lâu lắm.

Truyện của Kim Dung tuy thấm đẫm chữ Tình, nhưng chữ Hiệp và chữ Nghĩa mới là thứ được tôn vinh cao nhất. Tôi sẽ không nhớ Quách Tĩnh học được bao nhiêu môn võ công hay Dương Quá được bao nhiêu cao nhân chỉ dạy, càng không nhớ Thành Côn và Tạ Tốn thâm thù đại hận thế nào, hay Vi Tiểu Bảo là người của bao nhiêu phe phái. Tôi chỉ biết mình sẽ nhớ mãi cảnh cô bé Quách Tương lần đầu bước ra giang hồ mà phóng khoáng mang trâm vàng thoa ngọc ra đãi những vị bằng hữu còn chưa kịp biết tên một chén rượu ấm giữa trời đông lạnh giá, cảnh Dương Quá kiên quyết kết giao bằng hữu vong niên với Đông Tà vì muốn Tiểu Long Nữ là vị sư phụ duy nhất cũng là người yêu duy nhất của mình, cảnh Bắc Cái hiên ngang đứng giữa quần hùng vỗ ngực tự hào cả đời mình chưa từng giết lầm người vô tội, cảnh vị nhất đại tông sư ấy giao đấu đến hơi thở cuối cùng với kẻ đại gian đại ác Tây Độc Âu Dương Phong rồi hai người gục chết trong tiếng cười sảng khoái, cảnh Triệu Mẫn ung dung dẫn Trương Vô Kỵ bước ra khỏi đám cưới với Chu Chỉ Nhược, cảnh Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông lẽo đẽo chạy theo chọc cho Tiểu Long Nữ vui cười, cảnh Trình Linh Tố hút độc cho Hồ Phỉ rồi mang khối tình câm lặng xuống suối vàng, cảnh A Tử gào khóc ôm xác Kiều Phong nhảy xuống vực thẳm ở Nhạn Môn Quan, cảnh Hoàng Dung âm thầm xếp đặt giúp Tĩnh Ca Ca thắng trận, hoặc cảnh Nhậm Doanh Doanh cùng Lệnh Hồ Xung hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ… Cái chí nghĩa chí tình, cái chất “hiệp”, cái sự hào sảng ấy khiến tôi không thôi ngưỡng mộ, không thôi tôn kính, đến nỗi sau này tôi chỉ cần biết ai cũng mê mẩn Kim Dung là lập tức xếp người ấy vào hàng đáng trọng, đáng kết giao, vì một người đã biết cúi đầu trước cái đẹp cao thượng nhường ấy, sao có thể không “chơi đẹp”, không nghĩa khí, không anh hùng cho được.

Tôi nghĩ kẻ nào mê văn chương cũng mang trong mình giấc mơ phiêu bạt, để sống, để trải và để thấm thía tâm sự của nhân gian, nhưng Kim lão tiên sinh đã dệt nên một giấc mộng đẹp đẽ cho hàng triệu con người của nhiều thế hệ, đó là điều mà, ai đó đã nói rằng, thế hệ sau này chỉ mong kế thừa, không dám nghĩ đến chuyện sánh vai. Ngài đã cho chúng tôi một khung cảnh thần tiên của Đảo Đào Hoa, một đỉnh Hoa Sơn tráng lệ, một Võ Đang, một Nga My, một Thiếu Lâm, một Cổ Mộ… không đâu lẫn vào đâu, đến nỗi đã từng có lúc tôi tưởng những cái tên ấy có thật trên đời. Có ai từng không muốn đủ tài đủ trí như Hoàng Dung để một mình ngao du thiên hạ, có ai từng không ước ao mình có được những vị huynh đệ sinh tử chi giao, có ai từng không nghĩ phải chi rơi xuống vực sâu mà nhặt được bí kíp của Độc Cô Cầu Bại…?! Tôi không biết những đứa trẻ sau này có mấy người sẽ có Kim Dung trong tuổi thơ của chúng, chỉ thấy tiếc và buồn dùm, vì chúng đã không có cơ hội được tiếp xúc với cả một hệ tư tưởng, một loại tín ngưỡng có thể thay đổi cả cuộc đời.

Viết về Ngài biết bao nhiêu cho đủ. Nay người cưỡi hạc quy tiên, xin mượn bức ảnh của nhân vật mà tôi ngưỡng mộ nhất trong các tác phẩm của Ngài – Đông Tà Hoàng Dược Sư – và đôi chữ lạm bàn thay cho nén nhang tiễn Ngài lên đường thanh thản.

(*) Câu thơ trong bài Biệt Kim Dung của tác giả Tri Thi Tri Thi

2 bình luận về “[Kim Dung] Thiên cổ văn nhân hiệp khách mộng (*)

  1. Em cũng thích đọc truyện Kim Dung lắm. Hồi trước có xem mấy phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung xong thấy hay quá nên mò đi đọc truyện, thế là mê luôn đến bây giờ ☺️. Tiểu thuyết Kim Dung luôn hấp dẫn em một cách kỳ lạ, đúng là cái Hiệp, cái Nghĩa thấm đẫm trong những câu chuyện ấy đã làm nên ý nghĩa cho từng trang truyện của Kim Dung

    Thích

Gửi phản hồi cho Phuong Uyen Hủy trả lời