[Yên hà sắc] Chương 1: Du du đô phó mộng Nam Kha[1]

“Con vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa.”

Tiếng lũ trẻ nô đùa vang vang bên kia cánh cổng sau của chùa Chân Giáo thu hút sự chú ý của nàng công chúa nhỏ, khiến nàng quên mất rằng mình vội vã chạy đến hậu viên là để tìm chỗ nấp. Nàng rời khỏi hốc cây đa, đi theo tiếng đọc đồng dao đang xa dần. Những cơn gió đầu đông thổi qua khiến nàng thấy lạnh, vô thức rụt người sâu hơn vào tấm áo choàng. Công chúa khẽ trông ra phía tiền đường, đoạn lại nhìn về cánh cổng ít nhiều rêu phong, chép miệng tự hỏi mình:

  • Giờ ta là con vua hay con sãi nhỉ?

Còn chưa nghĩ đến câu trả lời, cô gái nhỏ đã bị bế thốc lên cao, xoay mấy vòng. Kẻ bế nàng là một người đàn ông chưa đến tứ tuần, thân vận áo nhà Phật song tóc hãy còn xanh, trên giắt đầy hoa, cỏ và mấy lá cờ. Y tung cô bé mới bảy, tám tuổi lên không trung rồi bắt lấy, mồm không ngừng vừa nói vừa cười lớn:

  • Ta là thiên tướng giáng trần! Ta cứu được công chúa rồi đây!

Công chúa nhỏ cũng toe toét cười không thành tiếng vì luôn được dạy rằng nữ nhi phải đoan trang. Nàng nhân lúc được bay cao mà đưa mắt nhìn khắp xung quanh. Nàng đã vài lần theo chân phụ hoàng đến đây lễ Phật. Đây là một nơi nằm trong đại nội, song lại rất thâm nghiêm, thường ngày yên tĩnh, chẳng mấy người dám đến quấy rầy. Nghe nói đức Thái Tổ đã cho xây dựng chùa này từ thuở vừa lập triều. Từ bấy đến nay, ắt cha con nàng là người đầu tiên cả gan nô đùa ở một chốn linh thiêng như thế, công chúa bỗng cảm thấy mình thật có uy quyền.

Khi người áo nâu sòng chừng như thấm mệt, giữ lấy nàng không tung lên nữa, công chúa nhoài người, vòng tay ôm chặt cổ y. Đoạn, nàng khẽ lùi ra sau ra để ngắm nghía gương mặt y, dùng tay áo thấm mồ hôi trên trán y, vén mấy sợi tóc loà xoà trên đầu y, khoái chí bảo:

  • Thiên tướng giáng trần của con oai phong nhất!

Người kia cũng vui vẻ vênh mặt để nàng muốn làm gì thì làm. Bỗng dưng y như sực tỉnh, mở to mắt, đặt nàng xuống đất rồi nhìn chăm chăm:

  • Con? Con nào? Con ai cơ?
  • Con của… – Công chúa trỏ tay vào y, song không biết nên gọi thế nào cho phải phép, bỗng nhớ ra một chữ, nàng gọi ngay. – … thầy.
  • Không được! Không được! – Người kia xua xua tay, lùi dần về sau. – Ta là người nhà Phật, sao lại có con được? Không được đâu! Tu hành mà phải điều tà dâm là hỏng hết!

Công chúa ngơ ngác chẳng biết làm thế nào, bỗng người kia như trông thấy điều chi, ra chiều nghiêm trọng bước đến gần nàng, thận trọng nói nhỏ vào tai:

  • Giống cái trên đời đều ác độc cả. Cháu xem…

Y chậm chạp dắt tay nàng đến bên một chậu cây nhỏ, ghé mắt thật gần một tán lá sát gốc cây. Công chúa đưa tay che miệng, suýt nữa đã kêu lên thành tiếng. Một con vật màu xanh đang nuốt chửng chính đồng loại của mình.

  • Bọ ngựa đấy! – Người áo nâu vẫn thì thào. – Con cái vừa kết đôi xong là ăn thịt bạn tình ngay. Đáng sợ lắm!

Công chúa nhìn con người to lớn bên cạnh co rúm lại vì khiếp đảm thì chợt thấy đau lòng khôn tả. Nàng nhớ ra cách đó không lâu, lúc phụ hoàng gặp mẫu hậu, nàng đã nghe ông nửa đùa nửa thật gọi bà là “con bọ ngựa”, song đến giờ mới hiểu nguyên do. Nàng bất ngờ nhưng không thấy lạ, vì mẫu hậu của nàng tuy dịu dàng nhưng luôn xa cách, tuy một mực lo lắng cho an nguy của nàng, song những lúc ôm nàng vào lòng đều là thủ thỉ kể về công lao của họ Trần, chẳng nhắc gì đến họ Lý hoặc phụ hoàng nàng, khiến nàng cảm thấy vừa xa cách, vừa có gì đó chẳng lành.

  • Đừng sợ! Con cũng là giống cái này! – Công chúa chớp chớp mắt liên hồi để nước mắt không rơi. – Nhưng con thương thầy nhất!

Bàn tay trắng ngần, nhỏ xíu của công chúa vươn đến chạm vào mặt con người dở tỉnh dở mê kia, dịu dàng vuốt ve. Từ khi nàng đủ lớn để nhận thức được những việc xảy ra chung quanh, người nàng gọi là “phụ hoàng” đã luôn có dáng vẻ như lúc này. Nếu không la hét xưng mình là thiên tướng thì người cũng đẫm mồ hôi, luôn mồm kêu khát đòi uống rượu, uống say lại ngủ li bì đến hôm sau. Thảng hoặc, giữa những lần dại dại điên điên như thế, y lại ôm nàng vào lòng, tự tay bón thức ăn cho nàng, tự tay lột quýt cho nàng và mẫu hậu nàng. Y nói, thức ăn mà mẹ con nàng nếm qua, y phải đích thân thử trước mới an lòng.

Những người trong cung kể lại, thói quen ấy đã có từ rất lâu, trước khi công chúa chào đời. Nghe nói lúc phu nhân họ Trần, mẫu hậu của công chúa, mang thai nàng, Đàm thái hậu luôn cho rằng họ Trần rắp tâm mưu phản, đã năm lần bảy lượt bỏ độc vào thức ăn muốn giết cả mẹ lẫn con. Hoàng đế, thuở còn chưa trở dại, biết được việc ấy thì ngày đêm kề cận phu nhân, mỗi bữa ăn đều chia cho phu nhân một nửa. Đến khi thái hậu phái người mang thuốc độc đến trực tiếp ban chết cho phu nhân, hoàng đế đã đưa mẹ con nàng lẻn khỏi hoàng cung ngay trong đêm, về với họ Trần.

Dọc đường, họ dừng chân ở bãi Cửu Liên, công chúa – hoàng trưởng nữ của họ Lý – đã chào đời vào một ngày mùa hạ ở nơi ấy, trong hương sen thanh tĩnh, giữa tình cảm phu thê ân ái nồng đượm của phụ mẫu, tưởng như chẳng liên quan gì đến việc họ nội và họ ngoại của nàng đang tranh nhau một mảnh giang sơn đến kẻ còn người mất.

  • Công chúa, đến lúc phải về cung rồi ạ! – Thiếu nữ theo hầu công chúa đến tự bao giờ, khẽ khàng thưa.
  • Về cung? Không về! Không về đâu! – Người đã từng làm hoàng đế giờ nghe đến mấy tiếng “hoàng cung” thì như gặp ma, liên tục xua tay, đoạn chạy trối chết.

Công chúa vội vã lao theo, luôn miệng kêu:

  • Thầy đừng sợ! Đừng sợ!

Nàng đuổi đến tận Phật đường mà vẫn không thấy bóng dáng người kia. Mũi ngửi thấy hương trầm thoang thoảng, nàng đưa mắt nhìn lên gương mặt từ bi của đấng Thế Tôn, bất giác ngơ ngẩn hồi lâu. Bỗng bên ngoài có tiếng bước chân người đi đến, công chúa liền lẻn vào một góc khuất giữa hai dãy nhà, chẳng ngờ trong ấy có người.

  • Ngươi…! – Công chúa chưa kịp kêu lên, kẻ ấy đã nhanh tay bịt miệng nàng rồi đưa ngón tay lên môi ra hiệu.

Công chúa lo lắng quan sát, song ánh mắt của người nọ rất kiên định và chân thành khiến nàng tin tưởng. Nàng hỏi khẽ:

  • Ngươi là ai?

Kẻ kia lắc nhẹ đầu không muốn đáp. Hắn trông về phía Phật điện, nói khẽ với nàng:

  • Tại sao công chúa thấy bà ấy lại bỏ chạy?

Công chúa cũng nhìn theo hướng mình vừa rời khỏi, người đến là Đàm thái hậu, tổ mẫu của nàng, cũng chính là người từng muốn bức nàng chết khi nàng chỉ vừa mới tượng hình trong bụng mẹ. Kỳ thực, đừng nói là ra tay hãm hại, công chúa nghĩ mãi cũng không nhớ được có lần nào bà ấy từng to tiếng với mình. Song, những câu chuyện về thủ đoạn của thái hậu cứ được những thị nữ kể đi kể lại bên tai, lại thêm thái độ dè chừng của bọn tuỳ tùng bên cạnh mỗi lần thái hậu đến gần nàng khiến công chúa chưa bao giờ dám đến gần bà ấy, thấy bóng bà ở phía xa đã vội quay đầu.

Thành thử, khi nàng nghe bọn cung nhân kể chuyện về những người bà hiền từ của chúng ở quê nhà, những tiếng ru, những lần được bà che chở khỏi đòn roi của thầy mẹ, những tiếng mắng yêu “cháu hư tại bà”, công chúa đều ngỡ như chuyện cổ tích, xa lạ vô cùng.

Người đàn bà ấy sau bao thương hải tang điền lại chẳng có dáng vẻ gì của một nữ nhi một thời nắm cả thiên hạ trong tay. Mái tóc từng được búi cầu kỳ và điểm tô trâm vàng thoa bạc giờ lấm tấm sương, rối bù chẳng buồn gỡ. Bà đứng trước điện thờ, sống lưng luôn vươn thẳng và chiếc cổ lúc nào cũng ngẩng cao giờ rũ xuống. Bà nhìn lên tượng Phật nói gì đó rồi lại bật cười. Tiếng cười khô khốc vọng trong điện thờ nghe sao mà mỉa mai, chua chát. So với phong thái uy quyền ngày nào nơi cung nội, trông bà lúc này còn đáng sợ hơn. Kỳ lạ thay, công chúa lại chẳng thấy lo lắng như xưa.

Nàng nhớ đến một câu chuyện từng đọc trong thư tịch cổ, lẩm bẩm một mình, lại như hỏi người bên cạnh:

  • Bà ấy là một thái hậu giờ rơi khỏi ngôi cao, hay một thường dân mơ tưởng mình từng làm mẫu nghi thiên hạ?

Kẻ ấy không đáp, chỉ nhìn nàng, ánh mắt như chết lặng. Giây lâu, công chúa sực tỉnh, nàng hỏi lại:

  • Ngươi là ai? Ở đây làm gì?
  • Bẩm, thần là một người của họ Lý. – Hắn đáp. – Nhận mệnh ở đây bảo vệ thái hậu và hoàng đế.
  • Ngươi tên gì? – Công chúa tròn xoe mắt.
  • Bẩm, thần họ Lý.

Công chúa khẽ cắn môi, nghĩ cách để hắn khai thật. Bỗng, bên ngoài vang lên tiếng cung nữ gọi, công chúa chợt hoảng loạn, sợ Đàm thái hậu nhận ra sự có mặt của mình. Kẻ kia liền kéo nàng vào một lối đi hẹp, dẫn từ Phật điện đến hậu viên. Đến đoạn cuối đường, hắn ôm quyền, khẽ cúi đầu như xin nàng giúp hắn giữ kín hành tung. Công chúa chần chừ rồi cũng bước ra ngoài, gọi khẽ:

  • Lý Cát, ta ở đây!

Người cung nữ vội vã chạy đến, xuýt xoa mấy tiếng rồi xin nàng mau trở về cung. Công chúa ngoái đầu nhìn lại lối đi ban nãy, kẻ lạ mặt kia đã khuất dạng. Ánh mắt của nàng chạm đến một dòng chữ nhỏ khắc trên cột đá cạnh bên. Nàng bước đến gần để nhìn cho rõ, dòng chữ ấy ghi :  “Chân Giáo tự, năm Thuận Thiên thứ mười lăm”.

Công chúa như vỡ ra điều gì, đôi mắt long lanh của nàng mở to. Đoạn, nàng ngước lên trời để ngăn nước mắt không rơi, khẽ gọi người cung nữ cùng về.

Những cơn gió mạnh thổi qua cuốn những chiếc lá vàng sót lại từ cuối thu, ném lên trời rồi thả xuống đất. Có ai đó gióng chuông, trong sương chiều se sắt, tiếng chuông đặc quánh, quẩn quanh mãi không tan dưới những vòm cây và mái ngói. Công chúa nhớ đến một hôm, khi nàng còn rất nhỏ, cả triều đình từng cùng nhau đến đây tế bái. Họ xin vua sớm phong hiệu cho hoàng trưởng nữ vì công chúa thứ hai đã chào đời. Phụ hoàng nàng khi ấy đứng giữa chính điện ngẫm nghĩ hồi lâu rồi cười lớn, tung nàng lên cao, sảng khoái kêu lên:

  • Thuận Thiên! Thuận Thiên! Cứ theo ý trời mà hành sự!

Triều đình, hoàng tộc và cả đất nước này đều cho rằng đó là một sát na tỉnh táo ít ỏi của vua, khi ngộ ra rằng chẳng thể chống lại mệnh trời. Từ lúc hoàng đế họ Lý vẫn còn là thái tử, chạy loạn đến Hải Ấp – vùng đất thang mộc của họ Trần, giang sơn này đã dần đổi chủ từng ngày. Công chúa lớn lên với suy nghĩ “thuận theo ý trời” đó, chỉ cảm thấy mình tuy được tung hô, được người người kính nể, song cũng chỉ đến thế. Họ kính nể nàng không hẳn vì nàng là công chúa đầu tiên của họ Lý, càng không hẳn vì nàng là giọt máu đầu tiên họ Trần để lại trong triều đình, mà bởi vì cuộc chiến của hai họ vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.

Đến giờ, sau những năm tháng nửa tin nửa ngờ, nàng mới dám khẳng định rằng phụ hoàng chẳng hề điên, chỉ vì mọi người đều quên cả. “Thuận Thiên” là niên hiệu của đức Thái Tổ khi vừa mới lên ngôi, mở đầu cho triều đại kéo dài gần hai trăm năm, có vàng son rực rỡ, có những chiến công lẫy lừng. Công chúa cố ngăn mình không khóc, song suốt dọc đường đi, nước mắt nàng cứ rơi không kiềm được. Nàng vờ than mệt để vùi đầu vào võng, giấu mặt để bọn tuỳ tùng khỏi trông thấy.

Người trong cung kể mãi câu chuyện về hoàng đế và hoàng hậu tình thâm khi công chúa được hoài thai, song công chúa lại chưa từng cảm nhận được trọn vẹn thâm tình đó. Lúc nhỏ nàng cứ ngỡ vì hai họ đang tranh đoạt nên phụ vương và mẫu hậu chẳng thể toàn tâm toàn ý yêu thương mình. Từ ngày Chiêu Thánh lẫm chẫm tập đi, công chúa càng rõ mình là đứa bé không được thương yêu. Cùng là cháu gái của họ Lý với họ Trần, mẫu hậu nàng nuông chiều Chiêu Thánh ra mặt nhưng lại nghiêm khắc với nàng. Phụ hoàng cũng thường ôm con bé vào lòng nhỏ to tâm sự mà chưa từng làm thế với nàng.

Hôm nay là lần đầu tiên nàng được “thiên tướng giáng trần” chơi cùng, công kênh thật cao, vì Chiêu Thánh phải ở trong cung chuẩn bị cho nghi lễ đăng quang rạng sáng mai. Trước kia mỗi khi phụ hoàng và em gái nàng đùa giỡn, công chúa chỉ có thể đứng một bên, kín đáo che miệng cười. Những năm tháng ấu thơ của nàng cứ trôi qua như mơ, như thực. Đôi lúc nàng thấy mình là một thiếu nữ cao quý đứng trên vạn dân, lắm lúc lại tưởng mình chỉ là con gái của một người điên, tự dựng lầu gác rồi cho mình làm vương làm tướng.

Giữa hoàng cung lắm lúc giống phường chèo, cạnh một hoàng đế điên dại và một hoàng thứ nữ ngây ngô, công chúa Thuận Thiên chưa được mười tuổi đã có dáng vẻ của một thiếu nữ hoàng tộc, luôn dịu dàng, khiêm nhường, hiểu chuyện. Thế nhưng vị hoàng trưởng nữ phong thái cao quý ấy lại không phải là kẻ được trao cho ngôi vị hoàng thái tử. Hoàng đế không có con trai, cái danh xưng người đời mơ tưởng nọ được ban cho Chiêu Thánh, công chúa thứ hai vừa lên sáu.

Mẫu hậu nói với nàng, long bào nặng lắm, Chiêu Thánh tuy nhỏ tuổi nhưng nghịch ngợm nên khoẻ hơn nàng, để con bé mang sẽ thích hợp hơn. Nàng liễu yếu đào tơ, từ khi sinh ra hay bệnh vặt nên cứ như cái tên mình, thuận theo ý trời làm một công chúa sống vô ưu vô lo là đủ.

Thuận Thiên không tha thiết gì vương vị ấy. Nàng luôn được dạy là phải nhường nhịn em gái, bản thân nàng cũng nuông chiều con bé vì Chiêu Thánh rất đáng yêu. Giả như long bào được ban cho nàng mà con bé bảo thích, ắt nàng cũng chẳng chút do dự mà tặng cho em. Thế nhưng, thứ nàng không cách nào vô tư cho đi là tình thương yêu của phụ mẫu. Việc ngôi báu truyền cho Chiêu Thánh khiến điều nàng vốn đã có rất ít nên phải cẩn thận giữ gìn từng chút ấy, trong một lúc gần như mất sạch. Như thể phụ mẫu nàng đã lướt qua nàng mà chẳng chút đoái hoài.

Trước khi Chiêu Thánh bước lên ngôi nữ đế, Thuận Thiên lẻn đến chùa thăm vị hoàng đế vừa mới nhường ngôi, xuất gia kia cũng chỉ muốn hỏi rõ việc này. Nàng không biết mình đã làm gì sai, không biết phụ hoàng buồn giận gì nàng. Phải chăng phụ mẫu trách nàng đã không kiên nhẫn hơn một chút mà vội vàng chào đời, giữa một nơi không phải hoàng cung nên thân phận chẳng cao quý bằng em gái? Thế mà, khi chân vừa bước qua cổng chùa, khi mắt nàng vừa trông thấy ánh mắt ngây dại của phụ hoàng long lanh vui mừng vì gặp con, công chúa đã quên mất mục đích của mình.

Khoảnh khắc nhận ra phong hiệu của mình chẳng phải do hoàng đế tuỳ tiện đặt cho xong, càng không phải lời dặn nàng an phận mà là niên hiệu đầu tiên của triều Lý, công chúa chợt thấy mình xiết bao trẻ con và nông nỗi. Phụ hoàng của nàng không điên, y rất yêu nàng, đặt hết cả sự tự hào và kỳ vọng ở nơi nàng. Chỉ là… chỉ là trăm họ đã không còn nhìn sắc mặt y để sống, sông núi đã không còn vì y mà dời đổi nữa, nên y cũng chẳng cách nào thay nàng chắn gió che mưa.

Công chúa len lén hé mắt nhìn ra ngoài. Nàng sắp về đến cung điện của mình, ngang qua những lầu gác lợp ngói bạc, thếp vàng, ngang qua những cây cầu bắc qua ao lớn, giữa có đá giả làm núi, chung quanh trồng thông, trúc và quế, thả nhiều chim quý. Lần đầu tiên công chúa ý thức được rằng mình mang họ Lý, là người của họ Lý, dù một nửa máu chảy trong huyết quản là của họ Trần. Lần đầu tiên nàng cảm nhận được vẻ xa hoa rực rỡ của cung điện mà nàng đã ở đó lớn lên. Đi dọc trường lang, nàng có thể thấy xa xa những dãy núi phía tây khi mờ khi tỏ dưới hoàng hôn và khói lam chiều, sẫm lại dưới nền trời đỏ quạch.

“Phụ hoàng, mẫu hậu xem kìa, mặt trời ở trên, núi ở dưới, là tên của phụ hoàng!”

Rất lâu, rất lâu trước đây, nàng từng vô tư reo lên như thể mình vừa phát hiện ra cả một kho báu khi cùng hai người họ ngắm chiều tà trên lầu cao. Lúc ấy nàng mới học viết tên của hoàng đế nên vô cùng thích thú khi thấy cảnh vật hệt như con chữ mình vừa thuộc. Tuổi nhỏ ngây ngô, nàng không biết gọi tên huý của hoàng đế là cấm kỵ, càng không biết giải nghĩa tên vua thành cảnh ngày tàn như thế là tội tày đình.

Việc ấy nàng đã quên từ lâu, khoảnh khắc này nàng lại bỗng dưng nhớ rất rõ vẻ thảng thốt trên gương mặt phụ hoàng và nét cười mỉa mai đằng sau vẻ lo lắng của mẫu hậu nàng khi ấy. Nàng bỗng thấy có gì đè nặng trên ngực mình, nghèn nghẹn, phẫn uất, song không lý giải được cảm giác ấy có nghĩa là gì.

Ngày mai, Chiêu Thánh sẽ trở thành vị hoàng đế thứ chín của Lý triều, tiếp nối cơ nghiệp của tổ tiên. Sự so đo mơ hồ trong lòng Thuận Thiên bấy lâu đến giờ tan biến cả. Nàng nhớ đến gương mặt mếu máo của con bé lúc bị bỏ lại một mình giữa điện Thiên An cùng chiếu chỉ nhường ngôi. Nàng nhớ đến tiếng kêu nức nở của con bé khi phụ hoàng nàng chầm chậm dời bước khỏi Tử cấm thành không một lần quay đầu lại. Lòng công chúa nhói lên từng đợt. Chiêu Thánh kém nàng hai tuổi, hẳn giờ con bé còn lạc lõng, sợ hãi hơn cả nàng. Nếu như phụ hoàng và mẫu hậu nàng thực sự yêu con bé như nàng từng nghĩ, họ đâu nỡ để nó khóc đến lạc giọng mà chẳng mảy may thương xót.

Hoàng đế có hai người con gái, Chiêu Thánh là con vua. Một mặt trời vừa xuống sau núi, rồi khi mặt trời ló dạng lần nữa, con vua sẽ lại làm vua. Nàng chỉ còn là con sãi, đến chùa thăm người cha đã quy y. Thế nhưng trong khoảnh khắc này, Thuận Thiên lần đầu cảm thấy mình may mắn hơn Chiêu Thánh rất nhiều, rất nhiều lần. Làm con của một kẻ tu hành, ít nhất hôm nay nàng còn được gọi y một tiếng “thầy”.

Còn Chiêu Thánh, long bào nặng là thế, ngai vàng cao là thế, liệu con bé làm thế nào để ngồi vững được đây?


[1] Trích câu thơ trong bài Thế thái hư huyễn của Tuệ Trung Thượng sĩ:

“Y cẩu phù vân biến thái đa,
Du du đô phó mộng Nam Kha.”

(Dịch nghĩa:

Cuộc đời như đám mây nổi luôn luôn đổi thay nhiều vẻ,
Mơ màng đành phó cho giấc mộng Nam Kha.)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s